KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/11/2023 - Lượt xem: 287
Bài 1: Dựng nước gắn liền với giữ nước

Kế tục truyền thống dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc, trong những năm qua, nhất là 10 năm gần đây thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

LTS : Một trong những nhiệm vụ và thành công quan trọng của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, được tổ chức vào tháng 10-2023 là đã thống nhất thông qua Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Loạt bài viết này sẽ phân tích bài học kinh nghiệm và kiến nghị các giải pháp để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Bài 1: Dựng nước gắn liền với giữ nước
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước gắn bó với nhau. Phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Kế tục truyền thống quý báu này, trong những năm qua, nhất là 10 năm gần đây thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. 
 Kíp trực của Lữ đoàn Pháo phòng không 210 (Quân khu 1) huấn luyện sẵn sàng chiến đâu bảo vệ vùng trời. (Ảnh: Khương Doãn)
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc chuẩn bị đất nước mọi mặt từ trước, ngay trong thời bình để xây dựng tiềm lực quốc phòng; chủ động ngăn ngừa, xử lý, đẩy lùi, triệt tiêu các nhân tố có thể phát triển thành các nguy cơ, thách thức đe dọa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự ổn định chính trị của đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc, cũng như môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. 
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Chân lý đó đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời là một quy luật nội tại của quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Lúc đất nước yên bình, hiển nhiên là phải tập trung vào nhiệm vụ dựng nước, chăm lo làm giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, bảo tồn được văn hóa dân tộc, xã hội phồn vinh. “Ngụ binh ư nông” (gửi binh lính ở nhà nông) là một chính sách đặc sắc của các triều đại  Lý, Trần, Lê… Quân chủ lực triều đình không nhiều, chủ yếu là quân địa phương tập trung theo từng phiên, nuôi quân đỡ tốn kém, bảo đảm sức lao động cho nông nghiệp, mà khi có chiến tranh, huy động được tối đa trai tráng cầm súng đánh giặc.
“Động binh tĩnh dân”, “bách tính giai binh”, “tận dân vi binh”… là những kế sách độc đáo của cha ông ta để “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, chăm lo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, bờ cõi, răn đe, ngăn chặn các hành vi xâm hại chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Thực tiễn trong quá trình hình thành và phát triển của  dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua cho thấy, thời đại nào, triều đại nào mà gắn chặt dựng nước đi đôi với lo giữ nước, xây dựng đất nước theo quan điểm dân giàu, nước mạnh, “quốc phú, binh cường”, “biên cường quốc thịnh”, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” thì độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; thời đại nào, triều đại nào không gắn chặt giữa dựng và giữ nước, không lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy, để nước nghèo, dân đói, xã hội lạc hậu, quốc phòng và an ninh không được củng cố, nội bộ mâu thuẫn, sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để kẻ thù tiến công xâm lược.
Trần Quang Khải (1241-1294) nhà chính trị, quân sự  thời Trần đã từng nói: “Thái bình tu trí lực. Vạn cổ  thử giang sơn” (có nghĩa là: Thái bình nên tu dưỡng trí lực, vật lực. Đất nước vững nghìn thu). Vua Lê Thái Tổ (1385-1433) căn dặn muôn dân trăm họ: “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ung tu kế cửu an” (có nghĩa là: Biên phòng cần có phương án, chiến lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài).
Bài học kết hợp chặt chẽ dựng nước đi đôi với lo giữ nước trong lịch sử dân tộc được Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một bước mới, thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, kết hợp giữa kháng chiến với kiến quốc.  
 Ngay sau nước nhà giành được độc lập, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hăng hái lao động sản xuất, chăm lo xây dựng và củng cố quốc phòng. Do đó, đất nước đã nhanh chóng vượt qua nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử (năm 1945), hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương được củng cố, lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành tạo nền tảng quan trọng để quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ðảng ta và Bác Hồ chủ trương: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chặn đánh làm chậm tốc độ tiến công của kẻ thù ở phía Nam đất nước, vừa xây dựng tiềm lực và chuẩn bị hậu phương kháng chiến lâu dài. 
Ngay sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại Ðền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ðây là tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng của Bác với quân và dân ta.
Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ tuần tra bảo vệ biên cương. (Ảnh: Phan Văn Giang) 
Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tư tưởng chỉ đạo dựng nước đi đôi với lo giữ nước lại được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một bước cao hơn thành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong đó, Bác Hồ  xác định rõ: "Xây dựng miền Bắc là cái nền, cái gốc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Nhờ có tư tưởng, đường lối và nhiệm vụ chiến lược đúng đắn của Ðảng, quân và dân ta đã xây dựng miền Bắc vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quân đội và công an được xây dựng chính quy, có trang bị ngày càng hiện đại, các công trình quốc phòng được xây dựng và củng cố, tạo sức mạnh bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam... Có sự chi viện to lớn của nhân dân miền Bắc, sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, quân và dân ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới, bài học dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc tiếp tục được Ðảng ta phát triển lên một tầm cao mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”.
Trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta” .
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng ta được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết số 28- NQ/TW). Nghị quyết số 28- NQ/TW được ban hành vào năm 2013. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới vừa qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước các vấn đề có tầm chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chúng ta đã giữ vững được thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ; khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong xử trí các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, nhất là các tình huống trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đề xuất rất sát những chủ trương, đối sách, giải pháp cơ bản, lâu dài; trước những tác động, ảnh hưởng của  tình hình thế giới  đối với Quân đội và giải pháp xây dựng Quân đội trong tình hình mới, nhất là xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ vững độc lập, tự chủ trong mở rộng hợp tác kinh tế; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tăng lượng dự trữ quốc gia; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng huy động các nguồn lực cho quốc phòng. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, bảo đảm không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; chủ động ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực, gây sức ép thông qua kinh tế từ bên ngoài./. 
Nguồn: https://dangcongsan.vn
Tin liên quan