KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 17/07/2024 - Lượt xem: 395
Bảo tồn và phát triển các giống nhãn cổ Hưng Yên

Mỗi mùa nhãn chín, thực khách trong và ngoài nước lại tìm về với Hưng Yên để được thưởng thức những quả nhãn tươi ngon, thơm ngọt không đâu sánh được. Nhãn Hưng Yên còn được xuất khẩu sang một số quốc gia, được đánh giá cao cả về chất lượng và sự độc đáo trong hương vị. Nhưng khi nếm một chùm nhãn ngọt, ít thực khách biết rằng tỉnh Hưng Yên có tới 50 nguồn gen nhãn đang sản xuất ở các địa phương trong tỉnh, trong đó trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Những năm gần đây, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, săn đón sản phẩm nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn – những giống nhãn cổ được lưu truyền từ xa xưa với hương vị vô cùng thơm ngon ấy đang khơi dậy tiềm năng phát triển cả về kinh tế và giá trị văn hoá của Hưng Yên.

Cây nhãn tổ trong sân chùa Hiến (thành phố Hưng Yên)
Là cái nôi của nhãn lồng Hưng Yên, thành phố Hưng Yên đang có hàng trăm nhà vườn trồng nhãn đặc sản hàng hoá, trong đó nhiều nhà vườn lâu năm miệt mài gìn giữ, phục hồi các giống nhãn cổ thơm ngon, độc đáo. Đi bộ trong vườn nhãn đang bước vào mùa thu hoạch của ông Bùi Xuân Tám ở xã Hồng Nam, chúng tôi như lạc vào một khu vườn cổ tích. Những cây nhãn già mấy chục năm tuổi được gia đình ông cẩn thận chăm sóc, giữ gìn, cắt tỉa gọn gàng, từng chùm quả lúc lỉu trên cao. Những cây nhãn tơ mới bói, quả căng bóng, sáng mã, sà thấp vừa tay người hái. Cứ vào mùa thu hoạch, khách hàng lại tíu tít đặt mua, giá bán từ 50 đến 90 nghìn đồng/kg. Trong đó, ông Tám tâm đắc nhất là những cây nhãn cùi cổ. Ông Tám chia sẻ: “Tôi sưu tầm giống nhãn cùi cổ từ những năm 90, ươm trồng bằng hạt. Sau này, khi cây lớn khoẻ và cho chất lượng quả thơm ngon, tôi tiếp tục nhân giống, chiết cành, ghép mắt ra hàng chục cây khác. Đến nay, vườn nhãn cùi cổ có khoảng 100 cây”. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức bình tuyển cây nhãn đầu dòng, cây nhãn cùi cổ của gia đình ông Tám đã được cấp Giấy công nhận cây đầu dòng mang tên nhãn Cùi cổ Bùi Tám, mã hiệu nguồn giống viết tắt là HYT19.
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức “Hội thi nhãn ngon” nhằm bảo tồn và phát triển các giống nhãn quý của Hưng Yên. Tại hội thi, nhãn cùi vân của ông Đỗ Đức Kha, xã Hạ Lễ (Ân Thi) đã giành giải nhì. Cùi vân là tên một giống nhãn cùi cổ đã có ở xã Hạ Lễ từ nhiều năm nay. Những người cao tuổi trong xã cho biết, cây nhãn cùi vân già nhất đã gần 100 năm tuổi. Nhãn cùi vân khi chín vỏ quả vẫn có màu hơi xanh, cùi nhãn dày, màu trắng ngà, mọng nước, hằn lên những đường vân rõ nét, hạt nhỏ và róc, khi ăn vừa ngọt đậm đà, vừa thơm. Nhãn cùi vân có năng suất cao, chùm to, đẹp, kích thước quả đồng đều…
Và nói đến nhãn cổ, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cây nhãn tổ của tỉnh Hưng Yên nằm ở sân chùa Hiến (phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên). Nằm trong lòng Phố Hiến xưa, cây nhãn già vẫn bám vững chãi vào bầu đất tôn cao, tán cây phủ rộng, xanh tươi lá và thấp thoáng chùm quả ngọt mỗi độ vào mùa, lưu giữ hương vị trăm năm “nhãn lồng tiến vua”. Đa số các cây nhãn lồng tại Hưng Yên hiện nay đều có một phần bộ gen từ cây nhãn tổ. Ngày 10/10/1992, cây nhãn tổ được Hội làm vườn Việt Nam xác định trên 300 năm tuổi. Cây nhãn được vinh danh và bảo vệ nguồn gen gốc để bảo tồn và phát triển. 
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên còn nhiều giống nhãn cổ thơm ngon như: Nhãn đường phèn, nhãn cùi hạt lép… Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có gần 5 nghìn héc-ta trồng nhãn các loại, trong đó diện tích trồng các giống nhãn cổ chiếm hơn 10%. 
Để bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải, đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án đến năm 2025, cơ bản bảo đảm nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải. Xây dựng mới khu bảo tồn và duy trì bảo tồn hiện trạng cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh. Tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm 15 - 20% diện tích nhãn của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Quyền Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thực hiện Đề án, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh hỗ trợ trên 55 héc-ta cho các hộ trồng mới, ghép cải tạo các giống nhãn đặc sản. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1 nghìn héc-ta trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu. Năm nay, đề án tiếp tục thực hiện bảo tồn nguyên trạng đối với 45 cây nhãn trong các nhà vườn; duy trì bảo vệ, chăm sóc vườn bảo tồn cây nhãn, vải đặc sản tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh với 1,5 héc-ta. 
Nếm một chùm nhãn ngọt lịm từ cây nhãn lâu năm giữa lòng Phố Hiến, như cảm nhận vị ngọt thơm ấy đến từ phù sa sông Hồng, từ những dải đất màu mỡ và đôi bàn tay chịu khó tảo tần của người dân bao đời chăm chút cho cây. Những giống nhãn ngon được bảo tồn, phát triển không chỉ làm tăng giá trị vùng trồng nhãn của Hưng Yên mà còn có ý nghĩa quan trọng về nguồn gen thực vật bản địa, giá trị về ẩm thực vùng miền và giá trị văn hoá, du lịch của Hưng Yên. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan