KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/11/2023 - Lượt xem: 283
"Bức tường lửa" ngăn chặn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Quy định số 131-QĐ/TW sẽ là "bức tường lửa" để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa mình, không vượt "lằn ranh đỏ," góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch vững mạnh.


Tuyên án sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu." (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán,” cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã bày tỏ hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Nhiều ý kiến cùng chung quan điểm cho rằng, Quy định là "bức tường lửa" phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng văn hóa liêm chính, để cán bộ, đảng viên không cần, không muốn, không thể tham nhũng, tiêu cực.
Nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao
Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng được tiến hành quyết liệt, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt.
Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo đã được xử lý, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao. Nhân dân ngày càng tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Điển hình như, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Trong đó, Tòa tuyên phạt mức án cao nhất là tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” đối với 3 bị cáo: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an). Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) bị Tòa tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Hay cùng về tội "Tham ô tài sản" trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tòa án Quân sự Thủ đô đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn, cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển 16 năm tù; Hoàng Văn Đồng, cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển 15 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo Doãn Bảo Quyết, cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy; Phạm Kim Hậu, cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng và Bùi Trung Dũng, cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh cùng bị tuyên 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) 10 năm tù; Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính) 12 năm tù.
Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Văn An bày tỏ: Những vụ việc được xử lý nêu trên đã thể hiện phạm vi đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất rộng và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tất cả các công chức Nhà nước, người chức vụ thấp đến người có chức vụ cao, hoặc các bộ, ngành, hay từ Trung ương đến địa phương liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, đều bị đưa ra xét xử.
Qua xét xử các vụ việc cho thấy, "lò lửa" chống tham nhũng đã và đang tiếp tục bùng cháy đúng như tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy."
Theo ông Nguyễn Văn An, bên cạnh việc xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đến công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW trong thời điểm này. Quy định được ban hành là hoàn toàn đúng đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, nhất là những cán bộ được giao nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Quy định số 131-QĐ/TW khi giải thích từ ngữ cũng nêu rõ: Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...
Bị cáo Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam trả lời phần xét hỏi căn cước tại phiên tòa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Một trong những nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là có cơ chế để phòng ngừa và bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải gắn với trách nhiệm; công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Đặc biệt, Quy định số 131-QĐ/TW yêu cầu cấp ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền quản lý; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy thực hiện nghiêm quy định của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp trên, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...
Bên cạnh đó, Quy định số 131-QĐ/TW còn mô tả 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trong đó, các hành vi điển hình như: Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra; lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác...
Qua nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phong, Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, Quy định số 131-QĐ/TW có nội dung bao quát nhưng cũng rất chi tiết cụ thể. Với 11 điều được xây dựng khoa học, bài bản, sát với yêu cầu thực tiễn, Quy định số 131-QĐ/TW sẽ sớm đi vào hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và quá trình công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.
Tin tưởng rằng, Quy định số 131-QĐ/TW sẽ là "bức tường lửa" để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa mình, không vượt "lằn ranh đỏ," góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch vững mạnh để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./. 
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan