KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 07/07/2024 - Lượt xem: 500
Chính phủ cho ý kiến về sửa đổi Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam

Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sỹ quan.

Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 6/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo Nghị quyết, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ thống nhất mục đích xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sỹ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Chính phủ cơ bản thống nhất 3 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật.

Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu:

1. Đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ về sự cần thiết bổ sung chức vụ của sỹ quan là cấp phó vào hệ thống chức vụ cơ bản của sỹ quan quân đội; quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sỹ quan không giữ chức vụ chỉ huy.

2. Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, cần tính đến các trường hợp nhân tài đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm;

3. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút, "giữ chân" nhân tài phù hợp với đặc thù của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sỹ quan (như phong quân hàm của học viên tốt nghiệp đào tạo sỹ quan dự bị, chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ): Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai,...).

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội (xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tháng 10/2024).

Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 6, năm 1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan