KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Đăng ngày: 12/11/2024 - Lượt xem: 100
Chống lãng phí - cuộc chiến với “giặc nội xâm”

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức rằng đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp.

Sáng 30/10/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ 'giặc ở trong lòng.' Nếu chiến sỹ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sỹ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.”

Trong bài viết “Chống lãng phí” được đăng tải gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức rằng đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh."

Chống lãng phí bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Không phải ngẫu nhiên mà giải pháp chống lãng phí đầu tiên được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là “cần thống nhất nhận thức rằng đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến.”

Việc đầu tiên là phải có nhận thức đúng đắn về chống lãng phí, phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng lãng phí hiện nay đã đến mức báo động. Thay vì coi lãng phí như một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần hình thành nếp nghĩ “lãng phí cũng là tội,” phải kiên quyết loại trừ. Phải coi đây là một cuộc chiến không chỉ cam go mà còn lâu dài.

Trả lời phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt vấn đề cần nhận thức chống lãng phí là một cuộc chiến lên đầu trong 4 giải pháp là rất đúng vị trí và ở một khía cạnh nào đó, đấu tranh chống lãng phí còn quan trọng hơn các cuộc chiến chống nội xâm khác.

Vấn đề lãng phí đã có từ lâu, nhưng qua bài viết, cái cũ này lại trở thành cái mới. Bởi hiện nay, rõ ràng chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ, chưa thấy hết được vấn đề nghiêm trọng của lãng phí, vậy nên cần phải có các giải pháp, làm sao để chống lãng phí phải trở thành một cuộc chiến. Đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài nhưng cũng rất gần gũi, cụ thể, gắn chặt với thực tiễn đời sống, ai cũng có thể tham gia, từ cái ăn, cái mặc hàng ngày.

“Bài viết gợi mở ra khá nhiều vấn đề, tạo điều kiện để sự chỉ đạo đi vào thực tiễn. Tới đây, trung ương có thể sẽ có những hành động hoặc nghị quyết về chống lãng phí, như nghị quyết chống tham nhũng, để đủ tầm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra một khung pháp lý hoặc khung chỉ đạo chung cho Nhà nước và Quốc hội,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến về bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tâm đắc với giải pháp cần thay đổi tư duy về chống lãng phí của Tổng Bí thư, đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên), Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chúng ta cần thay đổi tư duy, nhận thức của các cán bộ quản lý, chính quyền địa phương và người dân về vấn đề lãng phí. Mỗi khi thấy tài sản công không được sử dụng hiệu quả, không ai được phép dửng dưng bỏ qua. Khi cán bộ, nhân dân có ý thức mạnh mẽ về chống lãng phí sẽ tự động có những hành động cụ thể để ngăn chặn lãng phí, tránh mất mát tài sản xã hội.

Chống lãng phí - cuộc chiến với “giặc nội xâm”

Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam, nguyên trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội, cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tham nhũng và lãng phí là hai “giặc nội xâm.” Những năm gần đây, trong chiến dịch “đốt lò” ở Việt Nam, “giặc nội xâm” mang tên tham nhũng đã gặp nhiều thất bại nặng nề. Những thành quả trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, công cuộc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đây là một trong những biện pháp cơ bản nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và thịnh vượng lâu dài của Việt Nam.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) được xây dựng từ năm 2014 với tổng số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Đến nay, sau 10 năm thi công công trình vẫn bỏ hoang gây ra một sự lãng phí rất lớn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Về vấn đề chống lãng phí, mặc dù được Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, song trên thực tế, lãng phí vẫn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức, với nhiều mức độ khác nhau. Bởi vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu đã ra đòn tấn công mạnh mẽ vào “giặc nội xâm” mang tên lãng phí này, chắc chắn đây là một động thái đúng đắn, sẽ giúp tiết kiệm và tận dụng tối đa các nguồn lực của đất nước, nâng cao hiệu quả công việc của mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra.

Nhấn mạnh sự nguy hại của lãng phí tới kinh tế xã hội, đời sống nhân dân, ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tin tức, báo lecuirie Việt Nam, cho rằng ngay từ bây giờ, chậm còn hơn không, phải tổ chức ngay một phong trào, một chiến dịch, thậm chí một cuộc cách mạng về chống lãng phí. Trước đây một số nơi, một số đơn vị đã phát động thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, nhưng nó không thành phong trào, không có chủ chương cụ thể, không được chỉ đạo sát sao, định hướng rõ ràng, nên thiếu tính bền vững.

Bởi vậy, cần phải phát động lại phong trào học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ về tiết kiệm, chống lãng phí, chống xa hoa, bày biện. Phải có cuộc vận động xây dựng nền văn hóa, hệ tư tưởng chống lãng phí. Đất nước ta còn nghèo, rất có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chống lãng phí phải trở thành phương châm hành động, thành lẽ sống cho cán bộ, từ địa phương, từ cơ sở đến trung ương.

Ngoài ra, chúng ta phải làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân, những tấm gương thực hành tốt tiết kiệm, phòng chống lãng phí, phải chĩa mũi dùi vào đả kích, lên án mạnh mẽ hành vi lãng phí, có chế tài xét xử thật nghiêm hành vi lãng phí, phải có những vụ án điển hình về lãng phí, “xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.”

Ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó trưởng Ban tin trong nước, nguyên Phó Tổng Biên tập các Báo Tin tức, Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Gắn chống tham nhũng, tiêu cực với chống lãng phí

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10/2024, Thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo, trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí. Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực.

Việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, được cán bộ, đảng viên, người dân đánh giá là rất đúng và trúng.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Lãng phí bất kỳ cấp độ nào, bất kỳ thời điểm nào đều có thể xảy ra, nếu cộng dồn vào thì nó còn nghiêm trọng hơn tham nhũng. Vì vậy đưa lãng phí tương đồng với tham nhũng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đánh động tới nhận thức của cán bộ, đảng viên.”

Theo Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, xưa nay lãng phí là "làn ranh mờ," rất khó định tội. Nhìn vào các vụ đại án đã xử, vụ nào cũng thấy phần thất thoát, lãng phí này, nhưng Tòa án rất khó lượng hóa và phán xử, vì các điều luật chưa khép kín và hoàn thiện. Đây cũng là một nguyên cớ, môi trường cho tệ tham nhũng nảy nòi và phát triển.

Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: TTXVN)

Tiến sỹ Nhị Lê cho rằng từ sự tiêu cực, núp vào lá bài lãng phí đến “âm mưu” lãng phí, lợi dụng khe hở kỷ luật, pháp luật và đi tới tham nhũng chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn và hậu quả khôn lường. Đây là một trong những “lỗ hổng” cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín.

Rõ ràng, đã tới lúc khẳng định rằng phải quy định hành vi lãng phí là hành vi cấu thành tội phạm và người gây lãng phí đều có nguy dẫn tới tham nhũng, tiêu cực và trở thành tội phạm. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau.

Vì thế, thay vì chỉ phòng, chống tham nhũng thì cần là phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. “Không nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết công phá vào chỗ hiểm yếu này thì rất khó phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện và hiệu quả,” Tiến sỹ Nhị Lê nhấn mạnh.

Như vậy, Đảng ta đã xác định chống lãng phí là mặt trận song hành cùng cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này tạo điều kiện cho sự chỉ đạo, điều hành được toàn diện, quyết liệt hơn, tháo gỡ nhanh điểm nghẽn trong cơ chế, thể chế, giải quyết kịp thời các vụ việc được dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc. Giờ là lúc biến quyết tâm thành hành động để công cuộc phòng, chống lãng phí thực sự đạt hiệu quả cao, khơi thông nguồn lực, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan