KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 01/11/2024 - Lượt xem: 132
Đề xuất quy định chi tiết về hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đề xuất quy định chi tiết về hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh- Ảnh 1.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp về 3 nội dung: (1) Điều kiện, hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động; (2) tổ hợp công nghiệp quốc phòng và (3) xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. 
Tháo gỡ khó khăn trong việc huy động các cơ sở dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, việc huy động các cơ sở dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN) còn rất nhiều khó khăn, chưa huy động được các đơn vị có đủ tiềm lực, năng lực. Hoạt động CNQP, AN còn khép kín; phạm vi các lĩnh vực công nghiệp dân sinh tham gia hoạt động của CNQP, CNAN còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, cung cấp vật tư, thiết bị. Những lĩnh vực công nghệ cao, có tính lưỡng dụng như luyện kim, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu chưa được mở rộng để thu hút tham gia vào chuỗi sản xuất CNQP, CNAN.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng. 
Xu thế hiện nay cho thấy các doanh nghiệp của khu vực dân sinh đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN) tương đối lớn mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiệm cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới, đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. 
Mặc dù vậy, việc thu hút các thành phần kinh tế vào hoạt động CNQP, AN vẫn còn nhiều bất cập, chưa có hành lang pháp lý để triển khai một cách hiệu quả. Theo quy định của Luật Đầu tư, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động CNQP theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg) đã hết hiệu lực, trong khi CNAN chưa có quy định về nội dung này.
Để khắc phục các hạn chế trên, Bộ Quốc phòng đề xuất các quy định cụ thể về điều kiện, hình thức tham gia hoạt động CNQP, AN của cơ sở huy động.
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện chung, điều kiện cụ thể đối với từng lĩnh vực tham gia của cơ sở huy động vào hoạt động CNQP, AN. 
Dựa trên các tiêu chí được đưa ra, cơ sở CNQP nòng cốt, cơ quan chuyên trách về CNQP sẽ có cơ sở để lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hoặc đủ năng lực tham gia hoạt động CNQP, AN. Là cơ sở để phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, phát huy được sức mạnh của công nghiệp dân sinh cho CNQP. 
Hình thành hệ sinh thái trong đó các cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ tạo ra chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm quốc phòng
Đối với lĩnh vực CNQP, AN, Bộ Quốc phòng cho biết trong nhiều năm qua các hình thức liên kết, hợp tác đã và đang tạo ra các sản phẩm CNQP, đặc biệt là trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân, binh chủng, vũ khí tích hợp hệ thống, vũ khí thông minh, công nghệ cao. Tuy nhiên, các liên kết này chủ yếu dựa trên lợi ích kinh tế, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả, ràng buộc trách nhiệm trong phát triển các sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật mới. Để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm quốc phòng có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của số lượng lớn các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, đặt ra yêu cầu cần phải có mô hình, cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả, hình thành hệ sinh thái, trong đó các cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ tạo ra chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm quốc phòng.
Để thúc đẩy hình thành tổ hợp CNQP, cần phải có các chính sách để thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các thành phần của tổ hợp, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đơn vị lớn, có tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính mạnh vào chuỗi sản xuất CNQP; qua đó, hình thành các tổ hợp có năng lực sản xuất vượt trội, đáp ứng nhu cầu về vũ khí trang bị kỹ thuật trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Do vậy, tại dự thảo Nghị định, Bộ Quốc phòng đề xuất quy định các chế độ, chính sách đối với tổ hợp CNQP, hạt nhân tổ hợp CNQP, từ đó tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy hình thành tổ hợp CNQP trên thực tế. 
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí, quy trình công nhận cơ sở CNQP nòng cốt là hạt nhân tổ hợp CNQP; quy định các quyền, nghĩa vụ của hạt nhân tổ hợp CNQP đảm bảo việc vận hành tổ hợp CNQP hiệu quả, khả thi. 
Cần cơ chế đặc thù trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh
Theo Bộ Quốc phòng, hiện nay, nước ta là quốc gia chủ yếu nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ từ các nước; cơ chế xuất khẩu sản phẩm CNQP, AN chưa rõ ràng, khó thực hiện; chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường xuất khẩu vũ khí quân dụng, cũng như sản phẩm phục vụ an ninh. 
Trong những năm gần đây, năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất của các cơ sở CNQP trong nước có bước phát triển vượt bậc, đã làm chủ việc sản xuất một số loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, đảm bảo chất lượng và tính năng tương đương các sản phẩm xuất khẩu của các nước. Tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp là cơ sở CNQP nòng cốt trong nước xuất khẩu các sản phẩm do mình sản xuất, tạo điều kiện nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. 
Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh hoạt động giới thiệu sản phẩm, triển lãm thương mại, đặc biệt năm 2022 Việt Nam đã tổ chức thành công triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, giới thiệu được nhiều sản phẩm trong nước sản xuất đến bạn bè quốc tế. 
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương đã quy định về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; tuy nhiên, các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ là các sản phẩm đặc thù nên rất cần cơ chế đặc thù trong hoạt động xuất khẩu. 
Do vậy, dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết các nội dung gồm: (i) Yêu cầu trong xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN; (ii) Quy trình xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN; (iii) Thủ tục cấp phép xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN; (iv) Thực hiện miễn thuế sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN xuất khẩu; (v) Thông quan sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN xuất khẩu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/
Tin liên quan