Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cho một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thôi tham gia Trung ương và thôi giữ các chức vụ lãnh đạo. Bên cạnh luồng ý kiến chủ đạo đánh giá cao và bày tỏ niềm tin vào cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, trong xã hội cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc xử lý triệt để như vừa qua sẽ tạo ra “khoảng trống” về cán bộ chiến lược, nguy cơ bất ổn chính trị... Vậy phía sau những quan ngại này thực chất là gì?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 26 của Bban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 14/8/2024. (Ảnh: TTXVN)
CÓ PHẢI VIỆT NAM ĐANG BẤT ỔN VỀ CHÍNHTRỊ?
Ổn định chế độ chính trị là một hình thái đặc biệt của vận động xã hội - sự vận động trong trật tự, kỷ cương, bảo đảm các cấu trúc, chức năng cấu thành bản chất chế độ chính trị được giữ vững, không dẫn tới rối loạn, bất ổn. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự ổn định chính trị được nhìn nhận trên các phương diện: ổn định về đường lối lãnh đạo của Đảng và sự ổn định về tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Sự thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua ở một khía cạnh nào đó gây nên sự xáo trộn nhất định nhưng tuyệt nhiên, đây không phải là sự bất ổn chính trị. Trên tất cả các khía cạnh, cả về đường lối, cả về bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua đều không có bất kỳ sự thay đổi nào trước biến động nhân sự cấp cao vừa qua.
Về mặt chính trị, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội. Các nguyên tắc cơ bản như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn được duy trì và là nền tảng trong mọi quyết định chiến lược.
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam vẫn tiếp tục hướng tới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo. Việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu công nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục là các mục tiêu dài hạn.
Về đối ngoại, Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Những điều này có thể thấy đầy đủ trong phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các sự kiện chính trị quan trọng. Tại Hội nghị Trung ương 9 cho ý kiến vào đề cương các văn kiện trình đại hội XIV của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu “dự thảo các văn kiện phải thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được “quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”(1).
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải kiên định các nguyên tắc: “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2).
Như vậy, tuy nhân sự ở cấp cao có sự thay đổi, nhưng đường lối, các giá trị và chiến lược được xác định từ trong cương lĩnh chính trị, trong nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng vẫn được giữ vững. Đảm bảo độc lập, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là định hướng quan trọng trong tiến trình phát triển của nước ta.
Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Quá trình này thể hiện ở các khía cạnh quan trọng sau:
Về cải cách hành chính: Việt Nam đã, đang tiến hành cải cách hành chính toàn diện, từ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đến cải thiện chất lượng dịch vụ công. Mục tiêu là giảm bớt phiền hà, thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Về tinh gọn bộ máy: Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ tiêu chí. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có 49 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.243 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sáp nhập để giảm 13 huyện, 624 xã. Việc sáp nhập các đơn vị trùng chức năng nhiệm vụ bên trong các cơ quan hành chính cũng đang được các bộ ngành địa phương tiến hành. Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cũng đang được đẩy mạnh.
Về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng và được coi là yếu tố then chốt. Theo đó, không chỉ tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ mà còn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ nhân dân.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Công tác này cũng đang được các cấp, các ngành triển khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua đổi mới các khâu ban hành các chỉ thị, nghị quyết đến việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Trước những thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua, về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn không có biến độngvà tiếp tục được hoàn thiện theo các chủ trương có từ trước.
Có thể khẳng định, cả về đường lối chính trị, cả về tổ chức bộ máy, Việt Nam đều không có gì thay đổi. Nền chính trị ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục ổn định trước những thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua. Vậy thực chất quan điểm cho rằng ở các cơ quan trong hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ không còn ai làm nếu tiếp tục xử lý cán bộ sai phạm và Việt Nam đang bất ổn về chính trị là gì? Phải chăng đó là âm mưu nhằm gây hoang mang trong xã hội? Cần nhận diện, hiểu điều này thế nào?
NHẬN DIỆN RÕ ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Trước khi xem xét, bản chất của quan điểm cho rằng ở các cơ quan trong hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ không còn ai làm nếu tiếp tục xử lý cán bộ sai phạm, xin đề cập tới những kết quả công tác phòng tham nhũng xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua.
Theo Ban Nội chính chính Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và đạt đựợc nhiều kết quả toàn diện, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Riêng năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập(3). Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên; trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm(4). Cũng năm 2023, Đảng, Nhà nước đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý(5). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng(6). Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng từ ngày 20/3 đến 19/5/2024, lần đầu tiên có tới 3 cán bộ là chủ chốt của Đảng, Nhà nước, và Quốc hội đã phảithôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng do vi phạm những điều đảng viên không được làm. Trên cơ sở quyết định của Trung ương, Quốc hội cũng thực hiện các thủ tục cho các cán bộ này thôi giữa các chức vụ là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hộivà cho thôi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Đây là những điều chưa có trong lịch sử Đảng lãnh đạo cách mạng.
Những con số nêu trên là minh chứng Đảng nói là làm, không có chuyện chỉ “tắm từ vai” trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Nhưng từ lúc niềm tin được nâng lên cũng là lúc sự quyết liệt ngày một chạm gần hơn đến một số nhóm lợi ích tiêu cực. Từ đây, ngày càng xuất hiện tâm lý muốn trì hoãn, ngăn chặn cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, dưới dạng khuyến nghị xã hội cho rằng xử lý cán bộ sai phạm như vậy sẽ không còn ai làm việc, bởi sai là do thể chế, cùng vận hành trong thể chế thì ai cũng sai phạm; rồi xử lý thay đổi cán bộ liên tục là biểu hiện của mất ổn định chính trị, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, đến môi trường đầu tư, đến sự phát triển của đất nước(!). Lý do này kích động hình thành trong xã hội tâm lý thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực, và tiến tới kêu gọi dừng hoặc bẻ lái cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đi theo một hướng khác.
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo buộc nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỉ đồng trong quá trình cấp phép chuyến bay.
Không khó để có thể nhận diện ý định của các đề xuất trên. Cần phải nhận thức rằng, bất kỳ sự đồng ý thỏa hiệp nào với tham nhũng, tiêu cực lúc này đều là sai lầm. Đồng ý dù thể chế có thể cònmột số hạn chế cần khắc phục, nhưng nguyên nhân chính của sai phạm thường nằm ở ý thức và hành vi của từng cá nhân cán bộ. Việc vi phạm pháp luật, hoặc lạm dụng quyền lực là do đạo đức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ không tốt, chứ không hoàn toàn do thể chế.
Việc thi hành kỷ luật Đảng là một mặt công tác đặc biệt hệ trọng của Đảng - một công việc thường xuyên như “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Ở bình diện khác, cần nhận thức, việc xử lý cán bộ sai phạm quyết liệt là cần thiết. Việc làm này góp phần duy trì kỷ luật, kỷ cương và xây dựng một bộ máy trong sạch, vững mạnh; đồng thời cũng gửi đi thông điệp rằng mọi hành vi sai phạm sẽ bị trừng phạt, điều này góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong tương lai. Sự đồng ý thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực sẽ là sự dung dưỡng cho mầm mống tham nhũng tiêu cực tồn tại, phát triển.
Có thể thấy, mặc dù việc xử lý cán bộ có thể dẫn đến sự thiếu hụt tạm thời về nhân lực, nhưng điều này mở ra cơ hội cho những cán bộ có năng lực, đạo đức tốt lên thay thế lãnh đạo, quản lý. Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển, đảm bảo cung cấp đủ nhân lực chất lượng cao cho bộ máy nhà nước.
Việc xử lý nghiêm minh các cán bộ sai phạm là cần thiết, đem lại nhiều lợi ích lâu dài:
Thứ nhất, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm sẽ góp phần duy trì kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy nhà nước -vấn đề mang tính nền tảng để xây dựng một bộ máy hành chính trong sạch, hiệu quả và tin cậy.
Thứ hai, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm góp phần nâng cao uy tín và niềm tin của nhân dân. Uy tín của đảng và chính quyền phụ thuộc vào sự minh bạch, công bằng trong việc xử lý các hành vi sai phạm, bất kể người vi phạm là ai.
Thứ ba, việc loại bỏ những cán bộ sai phạm sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho những cán bộ trong sạch, có năng lực, đạo đức thực sự lên thay thế, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Từ đó, xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, nơi mà năng lực và phẩm chất được coi trọng hơn là mối quan hệ hay sự thỏa hiệp.
Thứ tư, quá trình xử lý cán bộ sai phạm thường đi kèm với yêu cầu các tổ chức cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, bổ sung và “bịt” lại các lỗ hổng trong quản lý điều hành để ngăn ngừa các hành vi tương tự trong tương lai. Việc hoàn thiện này cũng sẽ giúp tạo ra một cơ chế quản lý minh bạch, hiệu quả hơn, giảm thiểu khả năng xảy ra sai phạm.
Thứ năm, tham nhũng không chỉ làm suy yếu nền kinh tế mà còn gây ra bất ổn xã hội. Xử lý tham nhũng giúp bảo đảm sự công bằng, giảm thiểu bất bình đẳng và duy trì ổn định xã hội. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
TIẾP TỤC KIÊN ĐỊNH, KIÊN TRÌ CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để nhân dân tin tưởng và làm theo chủ trương, chính sách của Đảng, chung tay phát triển đất nước thì việc chống tham nhũng, tiêu cực cần phải tiếp tục kiên định và kiên trì.
Một số tham góp về vấn đề này như sau:
Không dung dưỡng tham nhũng, tiêu cực để phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, chưa có một chính đảng nào có thể tồn tại lâu dài nếu dung dưỡng cho tham nhũng, tiêu cực. Nó không chỉ làm suy yếu uy tín và niềm tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền mà còn làm suy yếu hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu suất công việc. Khi hệ thống hành chính bị tham nhũng, tiêu cực xâm nhập, các quyết định chính sách có thể bị méo mó, không phục vụ lợi ích chung mà chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ có quyền lực.
Tham nhũng, tiêu cực làm gia tăng chi phí kinh doanh, giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Các dự án phát triển có thể bị đình trệ hoặc chất lượng kém do nguồn lực bị thất thoát vào các hoạt động tham nhũng.
Tham nhũng, tiêu cực làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và sự bất công trong xã hội, tạo ra sự bất bình đẳng và xung đột lợi ích, gây mất đoàn kết và ổn định xã hội.
Khi tham nhũng, tiêu cực trở thành phổ biến trong hàng ngũ lãnh đạo, khả năng lãnh đạo và quản lý của Đảng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Đảng Cộng sản Việt Nam muốn duy trì vai trò lãnh đạo phải tiếp tục kiên trì đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với tham nhũng, tiêu cựclàmột trong những nhiệm vụ then chốt nhằm bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân và duy trì sự phát triển bền vững của đất nước. Dưới đây là một số lý do và gợi mở biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này:
Một là, luôn duy trì kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Kỷ luật nghiêm minh tạo ra môi trường làm việc công bằng, nơi mà mọi người đều biết rằng vi phạm sẽ bị trừng phạt, và hành động đúng đắn sẽ được tôn vinh.
Hai là, loại bỏ những phần tử tiêu cực ra khỏi bộ máy, tạo điều kiện cho những cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức tốt được thăng tiến. Xây dựng một đội ngũ cán bộ chất lượng cao là yếu tố quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và nhà nước.
Ba là, củng cố niềm tin của nhân dân. Nhân dân luôn đánh giá cao một chính quyền trong sạch, minh bạch và quyết liệt trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Đây cũng là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
Bốn là, tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh. Thực tế cho thấy, tham nhũng, tiêu cực làm méo mó các chính sách phát triển và làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực giúp tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Và một môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh sẽ thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Năm là, đảm bảo sự trong sạch và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Từ đó tăng cường khả năng thực thi các chính sách và chương trình phát triển.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo và giám sát của Đảng. Việc này giúp phát hiện và xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ bảo đảm rằng các nguyên tắc và chính sách của Đảng được thực thi nghiêm túc.
Bảy là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Đảng cần chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng, bảo đảm tính đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật.
Tóm lại, để phát huy vai trò lãnh đạo, Đảng phải tiếp tục kiên quyết và kiên trì đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Điều này không chỉ bảo vệ uy tín và sự trong sạch của Đảng mà còn là điều kiện cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững, công bằng và phồn vinh cho đất nước./.
Để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững, Đảng cần phải tiếp tục kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng một bộ máy trong sạch, vững mạnh và duy trì niềm tin của nhân dân. Việc này không chỉ bảo vệ uy tín của Đảng mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và phát triển.
Nguồn: https://tuyengiao.vn/
_________________
(1) https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/be-mac-hoi-nghi-lan-thu-chin-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii.html.
(2) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/chuan-bi-cac-van-kien-cho-dai-hoi-xiv-phai-bao-dam-that-su-co-chat-luong-phan-anh-day-du-thuc-tien-moi-cua-dat-nuoc.
(3)(4)(5)(6) https://baochinhphu.vn/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-nam-nay-phai-tot-hon-nam-truoc-102240201222725938.htm