KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đăng ngày: 22/09/2024 - Lượt xem: 122
Luân chuyển để cán bộ trưởng thành trong thực tiễn

Luân chuyển cán bộ là phương châm chiến lược của Đảng nhằm rèn luyện để đội ngũ cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Luân chuyển dần trở thành việc thường xuyên trong công tác cán bộ. Những kết quả tích cực của việc luân chuyển cán bộ là không thể phủ nhận, song cùng với đó, vẫn còn nhiều nơi, nhiều cán bộ việc luân chuyển chưa tương xứng với chủ trương và sự kỳ vọng của cấp ủy đảng các cấp.

(Hình minh họa)

Bài 1: RÈN LUYỆN THỰC TẾ, KHÔNG PHẢI CUỘC DẠO CHƠI

Với tinh thần cốt lõi là muốn có cán bộ tốt, trưởng thành thì phải thử thách cán bộ bằng thực tiễn công tác, nhất là ở những nơi khó khăn, nhiệm vụ nặng nề. Qua việc luân chuyển, cán bộ có môi trường mới, cương vị mới để rèn luyện, thử thách, có thể đảm đương nhiều vị trí công tác khác nhau.

Nước có chảy thì mới trong

 Sử xưa ghi lại, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một trong những vị quan được luân chuyển (luân quan) nhiều nhất, cả lên chức và xuống chức. Ông bắt đầu sự nghiệp làm quan với chức Hành tẩu Sử quán rồi dần lên tới các chức Thượng thư, Tổng đốc vì những thành tích trong quân sự và kinh tế. Ông làm quan ở 3 thời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Từ thời xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đều đã thực hiện việc luân chuyển quan lại. Việc luân chuyển diễn ra bình thường từ Trung ương về địa phương và ngược lại. Qua thực tiễn để quan lại được rèn luyện, thử thách ở cương vị mới, hướng đến mục đích tạo ra sự công bằng trong bố trí các vị trí. Ngoài ra còn phòng tránh việc quan lại lợi dụng chức vụ, thời gian giữ chức lâu dài để tiến hành các việc tiêu cực.

Thậm chí, việc luân chuyển được thực hiện bằng các quy định cụ thể của các triều đại phong kiến, trong đó, điển hình là Luật Hồi tỵ (bắt đầu xuất hiện từ đời Hồng Đức (1460-1497). Trong đó chú trọng loại trừ hiện tượng những người thân thích, quen thân kéo bè, kết phái, tạo ra tham nhũng, tiêu cực. Quy định những quan lại chủ chốt không là người địa phương được quy định cụ thể trong Luật Hồi tỵ, trở thành kinh nghiệm trong thực hiện luân chuyển cán bộ sau này.

Hiểu cán bộ, rèn luyện cán bộ và khéo dùng cán bộ là điều quyết định đến công việc gốc của Đảng. Xuyên suốt các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, bao thế hệ cán bộ của Đảng đã trưởng thành trên chiến trường, sẵn sàng vào Nam ra Bắc, luân chuyển giữa hậu phương và tiền tuyến, góp sức lớn vào thắng lợi của dân tộc. Dần dần, luân chuyển cán bộ được xem là việc bình thường trong công tác cán bộ.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng cụ thể hóa chủ trương này bằng nhiều nghị quyết, quy định, kết luận như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”...

Với tinh thần cốt lõi là muốn có cán bộ tốt, trưởng thành thì phải thường xuyên thử thách cán bộ bằng thực tiễn công tác, nhất là ở những nơi khó khăn, nhiệm vụ nặng nề. Qua việc luân chuyển, cán bộ có môi trường mới, cương vị mới để rèn luyện, thử thách, có thể đảm đương nhiều vị trí công tác khác nhau. Đó cũng là điều kiện để cán bộ đi luân chuyển khẳng định năng lực, uy tín, trưởng thành trong thực tiễn, là cơ sở quan trọng để tổ chức đảng đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng sau này.

Đồng thời, nhân dân có cái nhìn khách quan, toàn diện về đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, đóng góp ý kiến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ngày càng trưởng thành. Đây cũng là một bước quan trọng để từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương, khép kín, trì trệ trong công tác cán bộ.

Qua gần 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (tính đến tháng 2/2022), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã thực hiện luân chuyển 13.503 lượt cán bộ. Trong những năm gần đây, chủ trương luân chuyển được thực hiện thường xuyên, quyết liệt. Đặc biệt, trong 2,5 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thống kê, đến tháng 8/2022, cả nước có 36/63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương.

Còn hiện tượng không bình thường trong luân chuyển

Những thành công của công tác luân chuyển cán bộ là rất căn bản, tạo được đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn, được rèn luyện về phẩm chất, năng lực, kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng được nhiều nhiệm vụ theo yêu cầu. Dù vậy, bên cạnh những ưu điểm là chủ đạo, quá trình thực hiện luân chuyển cũng xuất hiện một số hiện tượng, vấn đề cần phải xem xét thấu đáo để có sự điều chỉnh phù hợp. Những hiện tượng, vấn đề ấy có thể điểm danh:

Luân chuyển theo kiểu “đi nhanh, về nhanh”. Trong một thời gian dài, trên các trang báo, mạng xã hội nóng lên những cụm từ “tráng men”, “lướt ván”, “dạo chơi” khi nói về cán bộ đi luân chuyển. Đó là thực tế một số cán bộ đi luân chuyển trong thời gian ngắn đã quay về để bổ nhiệm ở vị trí cao hơn trước. Hiện tượng đó tất yếu dẫn đến tình trạng “tráng men”. Những cán bộ đó sẽ dễ sinh ra tư tưởng “nhấp nhổm”, “cố thủ”, “an vị”, làm việc cầm chừng với quan niệm không để phạm khuyết điểm, sai lầm, trở về an toàn.

Tâm lý “chờ ngày về” trong luân chuyển cán bộ. Phải thẳng thắn thừa nhận thực tế có những đơn vị, địa phương chưa coi trọng cán bộ luân chuyển. Với tâm lý cán bộ đi luân chuyển để trở về nên cơ sở “ngại” giao những công việc quan trọng. Bên cạnh đó, không ít cán bộ đi luân chuyển trong thời gian ngắn, nếu có được giao việc thì cũng chỉ kịp làm quen, đã phải quay trở về. Thậm chí, có những nơi còn mang nặng tâm lý cục bộ, địa phương, khép kín, không tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển. Điều đó dẫn đến tình trạng cán bộ không có môi trường thuận lợi để làm việc, không có việc để làm.

Đáng nói hơn, có những cán bộ đi luân chuyển nhưng không muốn làm việc, chờ ngày về để lên vị trí cao hơn. Đó là thực trạng của những cán bộ tìm mọi cách để luân chuyển, xem đó là bệ phóng để lên chức, lên quyền. Họ xem việc đi luân chuyển không vì yêu cầu nhiệm vụ mà là lợi ích cá nhân. Chính vì vậy, khi đến nơi luân chuyển, những cán bộ này thường giữ tâm lý an toàn, ngại va chạm, né tránh, “dĩ hòa vi quý” trong thực hiện nhiệm vụ, không dám đưa ra các quyết sách quan trọng để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo ở nơi được luân chuyển đến.

Cán bộ đi luân chuyển nhưng không có sản phẩm mang về. Có những lúc, cán bộ đến luân chuyển được “tung hô”, quan tâm, nhưng cả quá trình sau đó, cán bộ làm việc ra sao, kết quả thế nào thì lại hoàn toàn im ắng. Đây cũng là kẽ hở để một số cán bộ luân chuyển né tránh nhiệm vụ, hoặc thực hiện nhiệm vụ với thái độ, trách nhiệm cầm chừng, sợ sai. Cơ quan, địa phương chủ quản kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thuộc quyền đi luân chuyển không rõ ràng. Cơ quan, địa phương tiếp nhận cán bộ đến luân chuyển, khi hết nhiệm kỳ đánh giá cũng chưa thực chất kết quả, thành tích công tác của cán bộ trong thời gian luân chuyển.

Đi luân chuyển là vì yêu cầu, nhiệm vụ chứ không phải đơn thuần là đi học việc. Cán bộ được quy hoạch để giữ vị trí lãnh đạo cao hơn, vì vậy, đi luân chuyển để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là thước đo thực tiễn để đánh giá cán bộ. Đáng tiếc, “sản phẩm mang về” của họ lại không tương xứng như kỳ vọng của nơi đưa đi luân chuyển.

Cán bộ đi luân chuyển không trưởng thành hơn, khi trở về lên vị trí cao hơn sẽ hại nhiều hơn lợi. Đề cập đến thực trạng này, sinh thời, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, "chạy" luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, ngon ăn, nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về... Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành.

Thực hiện đúng quy trình luân chuyển sẽ đào tạo, rèn luyện được những cán bộ chủ trì, cốt cán có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cách mạng. Ngược lại, sẽ tạo môi trường, điều kiện để cán bộ vi phạm, rút ngắn thời gian, quy trình. Những tổ chức, địa phương thực hiện không đúng quy trình luân chuyển, không kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển sẽ ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, tổ chức chính quyền các cấp. Khi đó sẽ kéo theo không ít hệ lụy từ việc cục bộ, “lợi ích nhóm”, ảnh hưởng lâu dài đến công tác cán bộ nói riêng, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng nói chung. Khi “công việc gốc” của Đảng bị lung lay sẽ là mối nguy lớn đe dọa đến sự trường tồn của Đảng và chế độ.

(Hình minh họa)

Bài 2: CẦN MỘT QUY TRÌNH HỢP LÝ, SỨC MẠNH ĐỒNG BỘ

Để chủ trương luân chuyển cán bộ trở thành kết quả thực tiễn đòi hỏi tiến hành toàn diện, đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân để thực hiện quy trình vừa bảo đảm tính nguyên tắc, vừa linh hoạt, sáng tạo.

Quy trình cứng trong luân chuyển cán bộ

Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, nhiều bước gắn kết chặt chẽ với nhau, thống nhất, thể hiện sự khách quan, khoa học. Đó không chỉ là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ mà còn là những quy trình luân chuyển cán bộ, kiểm tra, kiểm soát cán bộ... Các khâu, các bước đó phải được tiến hành một cách linh hoạt, chặt chẽ theo một quy trình “cứng”, công khai, minh bạch. Bởi vì, thực tiễn cho thấy, cùng với kết quả tích cực của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ được bổ nhiệm sai quy trình, “đi tắt đón đầu” trong luân chuyển. Cụm từ “đúng quy trình” trở thành “bức bình phong” của một bộ phận cán bộ, đảng viên qua các chức vụ khác nhau trong thời gian ngắn nhưng năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Khi đó, quy trình luân chuyển đã bị làm méo mó để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Việc xây dựng và tuân thủ nghiêm các bước trong quy trình “cứng” được xem là thước đo để đánh giá quá trình tổ chức thực hiện của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vì vậy đòi hỏi phải chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng khách quan, đúng người, đúng việc, không gây xung đột trong công tác cán bộ. Đặc biệt, quá trình đó phải được tiến hành chặt chẽ nhưng bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, mang lại sự công bằng trong công tác luân chuyển.

Chính vì vậy, trong Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Trung ương nêu rõ các quan điểm, nguyên tắc để bảo đảm việc luân chuyển phải tập trung dân chủ, tổng thể, đồng bộ, liên thông; không tạo ra mâu thuẫn giữa vị trí, chức danh cán bộ. Lần đầu tiên, quy trình luân chuyển cán bộ có 5 bước, các quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan. Điều quan trọng, sau quá trình luân chuyển, kết quả công tác dựa trên báo cáo của cán bộ và địa phương, cơ quan, đơn vị đến luân chuyển được xem là một trong những nguyên tắc để bố trí cán bộ. Như vậy, dựa trên quy hoạch, yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì “sản phẩm mang về” của quá trình luân chuyển là cơ sở để nhận xét, bổ nhiệm cán bộ lên vị trí cao hơn. Có như vậy mới khắc phục triệt để tình trạng đi luân chuyển nhưng “trở về tay trắng”. Đây được xem là thước đo quan trọng để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ có đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ở cương vị mới hay không.

Quy trình, quy định rất đầy đủ, bài bản và khoa học, nhưng đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới theo tinh thần “nhất hô bá ứng”. Nghĩa là địa phương, cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đến luân chuyển cũng phải thực hiện nghiêm túc các khâu, các bước. Việc giao nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh quá trình thực hiện, đánh giá sát sao, cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ đòi hỏi sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức, lực lượng ở đơn vị sở tại. Hơn lúc nào hết, vai trò người đứng đầu phải được phát huy để vừa tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ phát huy hết sở trường, vừa duy trì được sự đoàn kết thống nhất, mang lại hiệu quả cao. Địa phương, tổ chức, chi bộ nơi cán bộ đến luân chuyển phải chủ động giao việc, kèm cặp, giúp đỡ cán bộ thực hiện nhiệm vụ, chấn chỉnh những điều chưa phù hợp. Nhân dân phải đồng lòng góp ý, giúp đỡ cán bộ đến luân chuyển trong quá trình rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Nhờ sức mạnh đồng bộ, tổng hợp của các tổ chức, lực lượng và nhân dân mà cán bộ có môi trường, điều kiện để rèn luyện, trưởng thành.

Luân chuyển cán bộ phải “động” và “mở”

Thực chất quá trình luân chuyển là đưa cán bộ vào môi trường mới để họ có điều kiện cọ xát, rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn theo phương châm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Mà thực tiễn rất phong phú, không có khuôn mẫu, vì vậy, việc lựa chọn, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ trong luân chuyển cũng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở tạo điều kiện cao nhất cho cán bộ học hỏi, phát huy tối đa phẩm chất, năng lực. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Phải khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan nhận và chịu trách nhiệm của mình.

Trước hết, tính “động” trong luân chuyển cán bộ thể hiện ở sự linh hoạt trong quy hoạch cán bộ. Đòi hỏi tất yếu là một chức danh phải có quy hoạch nhiều người, vị trí kế cận và kế tiếp, thậm chí cả lâu dài, với những độ tuổi phù hợp. Quy hoạch đó phải dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ của những cán bộ đó hằng năm để điều chỉnh. Những cán bộ không đáp ứng yêu cầu cần phải kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch; cán bộ chưa vào nguồn trực tiếp nhưng có sự bứt phá, trưởng thành vượt bậc cần được cất nhắc để sử dụng. Để thực hiện tốt điều đó, cần chú trọng quy hoạch nguồn cán bộ có trình độ, năng lực, khát khao cống hiến nhằm luân chuyển được nhiều vị trí, tổ chức, đơn vị, địa phương, giúp họ được “thử lửa” ở các môi trường khác nhau mà trưởng thành. Song, trước khi đưa cán bộ đi luân chuyển, cần bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức, địa phương, đơn vị mới để họ nhanh chóng bắt nhịp, làm việc ngay.

Đồng thời, tính “mở” phải thể hiện rõ qua việc mỗi cán bộ đi luân chuyển có thể được quy hoạch với nhiều chức danh khác nhau. Bởi vì, đi luân chuyển là sự “trải nghiệm” cương vị công tác khác, với sự kỳ vọng lớn hơn. Nếu cán bộ trưởng thành, đảm nhiệm tốt cương vị mới thì khi về bố trí cương vị công tác cần có sự đánh giá khách quan, khoa học, chính xác năng lực, sở trường, yêu cầu cấp bách của từng vị trí để bố trí cho phù hợp. Vì vậy, khi thực hiện quy trình, ưu tiên đưa cán bộ luân chuyển về những địa bàn khó khăn, giao việc khó để họ có điều kiện rèn luyện, thể hiện năng lực, bản lĩnh. Nếu cán bộ chứng minh được phẩm chất, trình độ trong thực tiễn luân chuyển sẽ có nhiều hướng sử dụng cán bộ ngay tại nơi luân chuyển hoặc ở tổ chức, đơn vị, địa phương trước khi luân chuyển. Nếu cán bộ luân chuyển không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, cần bố trí vị trí khác phù hợp để họ phát huy, tiếp tục rèn luyện.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức tự giác rèn luyện, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên đi luân chuyển. Trước hết, cán bộ phải thể hiện rõ quyết tâm đi luân chuyển. Đặc biệt, luân chuyển đến những địa bàn khó khăn, thay đổi môi trường, cương vị công tác đặt ra những thách thức đòi hỏi bản lĩnh, ý chí người cán bộ, đảng viên phải vượt qua. Dù ở môi trường nào, chức vụ nào, người cán bộ, đảng viên phải phát huy chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, cán bộ luân chuyển phải thực sự gắn mình với tổ chức, gần gũi nhân dân, gần gũi công việc. Luôn giữ thái độ cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm để làm việc có hiệu quả.

Luân chuyển để cán bộ trưởng thành trong thực tiễn là việc làm thường xuyên của Đảng. Đó là trách nhiệm, quyết tâm của mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt điều đó mới quy hoạch, rèn luyện được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Đúng như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”(*)./.

Nguồn: https://tuyengiao.vn/

____________________ 

(*) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.266-267.

 

Tin liên quan