KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 20/06/2024 - Lượt xem: 365
Nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý nước thải công nghiệp

Toàn tỉnh hiện nay có hơn 1.000 dự án công nghiệp đang hoạt động, với lượng nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 90.000 m³/ngày đêm. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ thu gom và xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tại Công ty TNHH Teayang Việt Nam, thị trấn Lương Bằng (Kim Động), là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ inox. Việc tuần hoàn nước thải sản xuất tại công ty từ ngày đi vào hoạt động đến nay đã góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực và giúp công ty sản xuất bền vững. Công ty có hệ thống xử lý nước thải với công suất 30 m³/ngày đêm. Hệ thống này được thiết kế để tuần hoàn 100% nước thải từ quy trình mài sản phẩm. Đại diện doanh nghiệp cho biết, quy trình tuần hoàn nước thải trong sản xuất của công ty chủ yếu để xử lý cặn kim loại trong quá trình mài sản phẩm, toàn bộ nước thải được thu gom vào bể chứa, sau đó qua các quá trình lọc, hút bùn và hút cặn kim loại. Sau khi lắng, nước được bơm trở lại hệ thống sản xuất để tiếp tục sử dụng. Bùn lắng được xử lý riêng biệt. Hệ thống này không chỉ giúp giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường mà còn tiết kiệm chi phí nước sạch cho doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Liên, công nhân làm việc tại công ty cho biết: Khu vực rửa tay và vệ sinh đồ bảo hộ của người lao động được bố trí riêng để nước thải được thu gom và xử lý triệt để, người lao động chúng tôi phải tuân thủ quy định để không gây thất thoát nguồn ô nhiễm ra môi trường.
Hệ thống tuần hoàn nước thải để tái sản xuất của Công ty TNHH Teayang Việt Nam
(thị trấn Lương Bằng, Kim Động)
Công ty Cổ phần May Minh Anh Khoái Châu, xã Phùng Hưng (Khoái Châu) chuyên sản xuất và gia công quần áo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Công ty có hệ thống xử lý nước thải sản xuất với công nghệ xử lý hoá lý kết hợp và công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt bằng vi sinh. Theo đó, nguồn phát sinh nước thải chủ yếu từ hoạt động rửa khay in, dụng cụ in và rửa tay công nhân. Nước rửa mực in từ bồn rửa chảy xuống bể gom kín bằng bê tông cốt thép, có sơn chống thấm và có mái che chắn mưa. Nước thải được xử lý sơ bộ qua hệ thống xử lý hóa lý trước khi dẫn vào hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Hệ thống này bảo đảm nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Công ty bảo đảm vận hành hệ thống xử lý nước thải ngay cả khi mất điện lưới bằng máy phát điện dự phòng; thực hiện nạo vét hố ga, bùn thải định kỳ và kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị thường xuyên. Đối với nước thải sinh hoạt, công ty xử lý bằng hệ thống riêng, trong đó sử dụng vi sinh tự nuôi cấy để thân thiện với môi trường và cho hiệu quả xử lý tối ưu. Sau khi xử lý, cả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường.
Bên cạnh các dự án công nghiệp rời lẻ, Hưng Yên có 17 khu công nghiệp (KCN), trong đó 10/17 KCN đã tiếp nhận các dự án đầu tư. 7/17 KCN còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động và chưa tiếp nhận dự án. 100% các KCN đều đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN, bảo đạt đảm quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Tại các KCN trong tỉnh, các công trình xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý từ 2.000 đến 15.000 m³ nước thải/ngày đêm.
Để quản lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, tỉnh đã yêu cầu 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lượng phát thải lớn đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục. Trong đó, 27 cơ sở đã truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Đồng chí Lê Đức Lành, Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, cùng với sự đầu tư công nghệ hiện đại và biện pháp quản lý bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải tiên tiến như công nghệ sinh học, màng lọc tiên tiến và công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn; tăng cường tự động hóa và số hóa các quy trình giám sát, quản lý nước thải để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu sai sót trong vận hành; hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động và liên tục, bảo đảm tất cả dữ liệu về chất lượng nước thải được truyền trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường; định kỳ tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra để đánh giá hiệu quả xử lý nước thải của các doanh nghiệp, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan