KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 18/07/2024 - Lượt xem: 207
Ngân hàng tìm giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế “tín dụng đen”

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân nhằm hạn chế tín dụng đen.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 18/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển. Vì vậy, để khai thác được tiềm năng của thị trường và giải quyết những tồn tại, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Vai trò của tín dụng tiêu dùng thế nào?

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen,” giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Để có được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp tích cực từ các bộ ngành, địa phương.

Bà Mai Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết việc thúc đẩy hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ mục đích tiêu dùng là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen.” Sự phát triển của hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ mở ra một cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng với nhiều ưu điểm vượt trội so với các dịch vụ “tín dụng đen” như sự công khai, minh bạch trong hợp đồng, lãi suất, thể hiện rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của khách hàng và tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế “tín dụng đen”. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng theo bà Trang, quan trọng hơn hết là việc giao kết giữa khách hàng và tổ chức tín dụng được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật, hạn chế phát sinh những biến tướng có thể tác động tiêu cực tới tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Đẩy mạnh công nghệ, phát triển dịch vụ cho vay

Dù vậy, theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty tổ chức tín dụng, các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.

Cũng theo ông Sơn, tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận đầy đủ về mặt thông tin do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng trá hình thông qua hình thức biến tướng của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tiêu dùng, các tổ chức tín dụng do nhầm tưởng các đối tượng cho vay là tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi...

Để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, thách thức, tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị. Đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất hợp lý.

Còn ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử. Ngoài ra gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan