KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/01/2024 - Lượt xem: 751
Nhận thức về cục diện quốc tế

Trong hơn 20 năm trở lại đây, thuật ngữ “cục diện” bắt đầu được đề cập nhiều trong văn bản chính sách, trên các loại hình báo chí, ấn phẩm khoa học ở Việt Nam... Tuy nhiên, cách hiểu về cục diện vẫn còn khá chung chung và khác nhau. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, việc nghiên cứu nội hàm về “cục diện” giúp nhận định kịp thời và chính xác hơn sự thay đổi của các tác động từ cục diện đến quan hệ quốc tế, cung cấp thêm cơ sở để dự báo tình hình quốc tế nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trong nghiên cứu quốc tế, “cục diện” là một thuật ngữ chưa có khái niệm. Việc nghiên cứu chủ yếu hướng tới một số yếu tố lớn của môi trường quốc tế và có tác động nhiều đến quan hệ quốc tế, như hệ thống, cấu trúc, trật tự, kiến trúc… Các thuật ngữ này thường được xây dựng dưới những cách tiếp cận và quan điểm khác nhau. Có thể thấy, nhận thức về cục diện quốc tế được nghiên cứu bắt nguồn từ những yếu tố cơ bản - nguồn gốc sinh ra tác động từ cục diện tới quốc gia và quan hệ quốc tế. Đồng thời, sự vận động của những yếu tố này, cũng như mối quan hệ giữa chúng sẽ tạo ra biến đổi của những tác động. Theo đó, cục diện quốc tế xác định bảy yếu tố chính, bao gồm: Sự phân bố quyền lực, mẫu hình quan hệ phổ biến, thể chế chung, lực lượng, các xu hướng lớn trong đời sống quốc tế, những vấn đề chung và chính sách của các cường quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bang California, Mỹ, ngày 15-11-2023_Nguồn: AFP
Sự phân bố quyền lực 
Sự phân bố quyền lực được thể hiện qua số lượng các cường quốc và tương quan so sánh sức mạnh. Trong lịch sử quan hệ quốc tế đã từng tồn tại các cục diện có số lượng trung tâm quyền lực khác nhau như đơn cực, hai cực hay đa cực. Không chỉ khác nhau về số lượng mà mức độ chênh lệch sức mạnh giữa các cường quốc cũng có sự khác nhau qua các thời kỳ. Đơn cử như, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô là hai cường quốc có sức mạnh vượt trội so với các nước lớn khác nên được coi là siêu cường. Trong cục diện thế giới hiện nay, dù tồn tại nhiều cường quốc, song khoảng cách chênh lệch sức mạnh không tương đối đều như thời kỳ cận đại; Mỹ vẫn là siêu cường với sức mạnh vượt trội so với các cường quốc khác.
Sự phân bố quyền lực có vai trò lớn đối với cục diện quốc tế. Vai trò này được quy định bởi tầm quan trọng và sự chi phối của quyền lực đối với chính trị quốc tế. Vai trò của sự phân bố quyền lực đối với cục diện được phản ánh trên hai hướng chính: 1- Tạo ra vấn đề quyền lực trong toàn cục diện; 2- Là cơ sở chính để hình thành nên cấu trúc quốc tế. Trong hướng thứ nhất, phân bố quyền lực không đều trong cục diện quốc tế đã tạo ra sự cạnh tranh quyền lực thường xuyên để nâng cao vị thế và giành được tương quan có lợi. Dù phân bố quyền lực không dễ thay đổi trong khoảng thời gian nào đó nhưng cạnh tranh quyền lực lại diễn ra khá thường xuyên. Chính điều này đã tác động lớn tới cục diện quốc tế trong ngắn hạn và trung hạn. Khi cạnh tranh quyền lực xảy ra giữa các cường quốc, tác động sẽ càng mạnh mẽ và ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện thế giới. Sự cạnh tranh này kéo theo xu hướng tập hợp lực lượng, hình thành liên minh và tranh giành các khu vực ảnh hưởng trong không gian cục diện. Cùng với đó là tình trạng xung đột kéo dài với đỉnh điểm là chiến tranh, dẫn đến nguy cơ làm đảo lộn hoàn toàn cục diện. Hai cuộc chiến tranh thế giới là những minh chứng điển hình của cạnh tranh quyền lực dẫn đến chiến tranh và thay đổi hoàn toàn cục diện.
Trong hướng thứ hai, sự phân bố quyền lực là cơ sở chính quy định nên cấu trúc quyền lực của hệ thống quốc tế. Phân bố quyền lực có tác động chi phối đến hai thành phần khác của cấu trúc là mẫu hình quan hệ phổ biến và luật lệ chung. Cấu trúc quyền lực diễn ra trong các lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế vốn là các lĩnh vực quan hệ quốc tế quan trọng nhất, vì vậy, vai trò của phân bố quyền lực đối với cục diện ngày càng trở nên quan trọng hơn. Không những thế, sự thay đổi phân bố quyền lực có khả năng làm thay đổi hệ thống - cấu trúc quốc tế và từ đó là toàn cục diện. Do các nước đều luôn tìm cách gia tăng sức mạnh/quyền lực quốc gia, nên sự phân bố quyền lực cũng biến đổi theo. Khi phân bố quyền lực thay đổi, cấu trúc quốc tế cũng thay đổi. Khi cấu trúc thay đổi thì cục diện cũng thay đổi do khả năng chi phối của cấu trúc (1). Đây chính là khả năng biến đổi của cục diện bởi những thay đổi trong phân bố quyền lực. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng, nhất là trong mỗi thời kỳ lớn của lịch sử quan hệ quốc tế được đặc trưng bởi sự phân bố quyền lực khác nhau trong một cấu trúc quyền lực khác nhau.
Với tư cách là thành tố của cục diện, sự phân bố quyền lực khác nhau sẽ tạo ra những tác động cấu trúc khác nhau đến quốc gia và quan hệ quốc tế. Do đó, phân bố quyền lực khác nhau sẽ buộc quốc gia phải tính toán lợi ích ưu tiên, cách thức và công cụ phù hợp trong quan hệ quốc tế của mình. Như vậy, phân bố quyền lực là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến cục diện và là một trong những yếu tố bên ngoài có khả năng tác động nhiều nhất đến quan hệ quốc tế và quốc gia.
Mẫu hình quan hệ phổ biến
Mẫu hình quan hệ phổ biến được phản ánh qua xu hướng quan hệ giữa các quốc gia. Mẫu hình quan hệ này được đa phần các nước đi theo, tạo nên sự phổ biến tương đối trong không gian cục diện; khi được duy trì một cách tương đối lâu dài, tạo nên sự phổ biến về mặt thời gian trong cục diện. Các cục diện khác nhau thường có mẫu hình quan hệ phổ biến khác nhau hoặc có mẫu hình quan hệ phổ biến như nhau nhưng quy mô và mức độ quan hệ không hoàn toàn giống nhau.
Trong quan hệ quốc tế, có hai mẫu hình quan hệ chính là xung đột và hợp tác. Tuy nhiên, do xung đột và hợp tác thường cùng tồn tại nên mẫu hình quan hệ phổ biến sẽ là xu hướng quan hệ nổi trội hơn hoặc có thể cả hai khi xung đột và hợp tác đều phổ biến. Trong phần lớn thời gian của lịch sử, xung đột là mẫu hình quan hệ phổ biến nhưng đến thời kỳ hiện đại, nhất là sau Chiến tranh lạnh, hợp tác lại nổi lên trở thành mẫu hình quan hệ phổ biến. 
Mẫu hình quan hệ phổ biến ảnh hưởng đáng kể đến cục diện quốc tế. Những dòng chảy quan hệ như vậy sẽ tạo nên tính chất xung đột hay hợp tác của hệ thống quốc tế trong cục diện. Sự cạnh tranh giữa hai mẫu hình hợp tác và xung đột với mức độ lớn hoàn toàn có thể tạo ra những biến đổi của cục diện. Bên cạnh đó, sự vận động của mẫu hình quan hệ phổ biến giữa các cường quốc có khả năng làm thay đổi cục diện. Lịch sử cho thấy, ít nhất về hình thức, cục diện thay đổi thường bắt đầu từ sự thay đổi trong quan hệ giữa các nước lớn. Sự thay đổi mẫu hình quan hệ từ “hòa hợp châu Âu” sang xung đột leo thang dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm kết thúc cục diện thế giới khi đó. Tương tự như vậy, sự xung đột tăng lên giữa các nước lớn sau cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 - 1933 đã dẫn đến chấm dứt cục diện giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Ngược lại, xung đột giảm dần và hợp tác tăng lên trong quan hệ Mỹ - Liên Xô nửa cuối thập niên 1980 của thế kỷ XX đã làm chấm dứt cục diện Chiến tranh lạnh.
Mẫu hình quan hệ phổ biến tác động tới quốc gia trong vai trò như “từ trường” hướng định quan hệ giữa các quốc gia. Tiếp đó, các dòng chảy quan hệ này góp phần tạo ra cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn từ bên ngoài (cục diện) đối với quốc gia. Cuối cùng, mức độ hợp tác và xung đột khác nhau sẽ khiến cục diện có tác động khác nhau đến chính sách và quan hệ của quốc gia. Với những khả năng tác động như vậy, mẫu hình quan hệ phổ biến trở thành một thành tố quan trọng của cục diện.
Thể chế chung
Trong quan hệ quốc tế, thể chế được phản ánh trên hai phương diện chính là tổ chức quốc tế và luật lệ quốc tế. Tổ chức quốc tế là những cơ chế được các bên thỏa thuận lập ra nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế. Luật lệ quốc tế gồm những quy định pháp lý được các nước ký kết và những chuẩn mực được hình thành trong quá trình tương tác giữa các quốc gia. Đối với cục diện quốc tế, luật lệ được tính đến ở đây phải có sự phổ biến tương đối rộng và tương đối có hiệu lực, tức là được nhiều nước tuân thủ. Nếu sự phổ biến rộng của luật lệ giúp đem lại quy mô ảnh hưởng trong cục diện thì tính hiệu lực giúp luật lệ có được vai trò đối với cục diện.  
Sự hình thành và phát triển của tổ chức quốc tế và luật lệ quốc tế đều phổ biến rộng rãi trên mọi cấp độ từ song phương tới đa phương, từ khu vực tới toàn cầu, hiện diện trong hầu hết lĩnh vực của đời sống quốc tế, thu hút sự tham gia của gần như mọi quốc gia, trong đó có các nước lớn. Sự phát triển cả hai hình thức này trong sự gắn kết với nhau, làm nên quá trình thể chế hóa trong quan hệ quốc tế.
Theo đó, sự phát triển thể chế hóa ảnh hưởng đến cục diện theo nhiều cách: Thứ nhất, thể chế hóa góp phần hạn chế tình trạng vô chính phủ trong môi trường quốc tế. Các quy định và nguyên tắc quan hệ trong tổ chức quốc tế, các luật lệ chung dù hiệu lực chưa cao nhưng cũng đã phần nào thực hiện được chức năng điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể quan hệ quốc tế trong cục diện. Thứ hai, cùng với sự phân bố quyền lực và mẫu hình quan hệ phổ biến, thể chế hóa giúp hình thành và vận hành cấu trúc trong hệ thống quốc tế của cục diện. Khi cấu trúc với tư cách là phương thức tổ chức được vận hành, thế giới sẽ có tính tổ chức hơn. Thứ ba, thể chế hóa giúp làm tăng hợp tác và giảm thiểu xung đột trong quan hệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế được lập ra để hợp tác, các cơ chế giải quyết tranh chấp và luật lệ quốc tế giúp hạn chế và giải quyết xung đột. Thứ tư, sự phát triển thể chế, nhất là các tổ chức quốc tế trên toàn cục diện đã tạo sự nối kết con người thông qua hợp tác, giúp nối kết quốc gia thành một mạng lưới, qua đó giúp đem lại tính chỉnh thể cho cục diện. Thứ năm, thể chế hóa giúp đem lại những bản sắc chung và ý thức chung về môi trường quốc tế, qua đó làm tăng thêm sự quan tâm tới cục diện. Rõ ràng, với những vai trò như vậy, thể chế hóa là một yếu tố cơ bản cấu thành nên cục diện quốc tế trong thời hiện đại.
Lực lượng
Đối với cục diện, lực lượng có thể được hiểu là những nhóm chủ thể có sức ảnh hưởng đáng kể đối với quan hệ quốc tế; và tương tự, vấn đề mà nhóm chủ thể này hướng tới phải là những vấn đề lớn và quan trọng đối với quốc gia và quan hệ quốc tế. Lực lượng phải có quy mô như vậy thì mới có vai trò trong cục diện quốc tế.
Trên thực tế, có nhiều loại lực lượng khác nhau trong từng lĩnh vực với những vấn đề khác nhau. Trong quyền lực, các lực lượng được phân chia theo sức mạnh và vị thế quốc tế như nước lớn và nước nhỏ. Trong chính trị, có những lực lượng đi theo ý thức hệ khác nhau như nhóm nước xã hội chủ nghĩa và nhóm nước tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ Chiến tranh lạnh; hay theo mô hình dân chủ khác nhau như hiện nay. Trong kinh tế, có các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hay các nhóm, như Nhóm các nền công nghiệp lớn hàng đầu thế giới (G-7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Nhóm các nước đang phát triển (G-77)… Về đại thể, cơ cấu lực lượng biến đổi chậm nhưng trong từng lực lượng lại dễ có sự biến đổi hơn qua sự phân chia và tập hợp lực lượng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng lãnh đạo các nền kinh kế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9-9-2023_Ảnh: AFP/TTXVN
Vai trò của lực lượng đối với cục diện thể hiện ở ba phương diện chính là vấn đề, quyền lực và sự phân bố quyền lực. Một là, sự quan tâm của các lực lượng khiến trở thành vấn đề của cục diện. Một trong những ví dụ điển hình của cục diện hiện nay so với trước kia là sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đáng chú ý, sự thay đổi lực lượng trong các lĩnh vực chủ yếu cũng đem lại những vấn đề mới trong cục diện. Đơn cử như, do sự thay đổi lực lượng trên phương diện kinh tế hiện nay bao gồm cả các nước đang phát triển nên đã xuất hiện thêm các vấn đề trong cục diện như trung tâm - ngoại vi, khoảng cách phát triển Bắc - Nam, đói nghèo… Hai là, sự xuất hiện và thay đổi các lực lượng đã dẫn đến sự tồn tại của nhiều cơ cấu lực lượng khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Do đó, sự phân bố quyền lực không còn đơn giản chỉ là trên phương diện chính trị, kinh tế giữa các nước lớn với nhau, mà buộc phải tính đến các lực lượng trong những lĩnh vực khác. Ví dụ trong lĩnh vực môi trường, sự tản quyền tăng lên chứ không đơn thuần là sự tập trung quyền lực vào các nước lớn như trước kia(2). Ba là, trong ngắn hạn và trung hạn, sự biến đổi lực lượng diễn ra chủ yếu trong từng nhóm với sự phân chia hay tập hợp lực lượng. Các quá trình này hoàn toàn có thể tạo nên sự thay đổi trong tương quan sức mạnh và từ đó ảnh hưởng đến sự phân bố quyền lực. Đồng thời, các quá trình này cũng tạo ra nhiều biến động trong quan hệ quốc tế trên toàn cục diện.
Như vậy, sự thay đổi lực lượng đã làm cho cục diện quốc tế ngày càng đa lĩnh vực hơn, đa vấn đề hơn. Các tác động này quy định vai trò yếu tố cơ bản của lực lượng trong cục diện quốc tế.
Các xu hướng lớn trong đời sống quốc tế
Các xu hướng thường được phản ánh qua sự vận động của các quốc gia và chính sách của chúng theo một chiều hướng chung nào đó. Các xu hướng này được hình thành bởi yêu cầu khách quan, cũng như nhu cầu chủ quan nào đó của đa số các nước, trong đó có các nước lớn. Sự phát triển của các xu hướng thường diễn ra trên hai phương diện: Về lượng, đó là số lượng nước tham gia ngày càng nhiều. Về chất, đó là chính sách, sự đầu tư và cam kết lâu dài ngày càng tăng.
Thông thường, những xu hướng có khả năng đóng vai trò như một yếu tố trong cục diện phải là những xu hướng có độ dài đáng kể về thời gian và có quy mô ảnh hưởng tương đối rộng rãi trong không gian cục diện. Đồng thời, xu hướng này phải có sự tham gia của hầu hết nước lớn trên thế giới. Hội tụ đủ ba tiêu chí này thì xu hướng mới có khả năng tác động đến quốc gia và quan hệ quốc tế, để từ đó có vai trò trong cục diện quốc tế. Lịch sử đã từng minh chứng có nhiều xu hướng trong quan hệ quốc tế. Điển hình là xu hướng toàn cầu hóa, xu hướng phát triển khoa học - công nghệ, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng phát triển các yếu tố phi vật chất…
Tựu trung, xu hướng có năm tác động chính đối với cục diện: Thứ nhất, đem lại tính hướng đích nhiều hơn cho cục diện. Các xu hướng đều có những mục tiêu chung nào đó. Xu hướng càng lớn, càng lôi cuốn được nhiều nước tham gia thì sự vận động của quan hệ quốc tế càng tập trung hơn theo những mục tiêu chung. Qua đó, cục diện sẽ có tính hướng đích hơn, giảm thiểu những chiều hướng đi ngược với cái đích đó; thứ hai, góp phần thúc đẩy sự vận động của cục diện. Xu hướng thường tạo ra áp lực buộc các quốc gia vận động nhằm tiến tới mục tiêu của xu hướng. Sự vận động chung như vậy sẽ tạo ra sự vận động của cục diện; thứ ba, mở rộng quan hệ quốc tế và tăng cường kết nối trong cục diện. Cách thức tham gia xu hướng chung chính là để mở rộng quan hệ và phối hợp cùng nhau nhằm đạt được lợi ích quốc gia vốn nằm trong mục tiêu của xu hướng. Sự phối hợp giữa các nước càng tăng, càng đem lại sự kết nối trong cục diện; thứ tư, góp phần đem lại sự phát triển chung cho cục diện. Không phải tất cả nhưng nhiều xu hướng lớn trong thời hiện đại chứa đựng những mục tiêu phát triển và giá trị tiến bộ. Vì thế mà các quốc gia tham gia đông đảo một cách tự nguyện. Sự tham gia đông đảo đó sẽ giúp lan tỏa các mục tiêu và giá trị tích cực ra toàn cục diện; thứ năm, xu hướng lớn tác động sang các yếu tố khác của cục diện. Bản thân xu hướng cũng tồn tại trong các yếu tố khác của cục diện như xu hướng xung đột hay hợp tác trong mẫu hình quan hệ phổ biến... Xu hướng lớn luôn là yếu tố mà chính sách của các cường quốc phải tính đến bởi những nước này muốn thúc đẩy những xu hướng có lợi cho mình. Năm tác động này đủ lớn và đủ quan trọng để coi xu hướng là yếu tố cơ bản của cục diện quốc tế.
Những vấn đề chung
Vấn đề chung được tính đến ở đây là những vấn đề đe dọa tới lợi ích cơ bản của quốc gia và có quy mô tác động rộng lớn trong không gian của cục diện. Vấn đề chung ban đầu xuất phát từ những vấn đề riêng của quốc gia và dần chuyển hóa thành vấn đề xuyên quốc gia, thậm chí mở rộng thành các vấn đề toàn cầu. Sự chuyển hóa và mở rộng này được quy định bởi quá trình phát triển quốc gia và mở rộng quan hệ quốc tế. Hiện nay, do quy mô ảnh hưởng của các vấn đề này diễn ra trong toàn cục diện nên các quốc gia đều có cách tiếp cận quốc tế, thậm chí là cách tiếp cận toàn cầu trong việc đối phó với chúng. Điều này càng làm cho các vấn đề đó trở thành vấn đề chung của toàn cục diện.
Trước kia, những vấn đề chủ yếu của cục diện thường liên quan đến quyền lực và an ninh truyền thống. Đến thời hiện đại, các vấn đề chung ngày càng tăng lên và trở thành một thực tế lớn trong đời sống quốc tế hiện nay. Đó là sự nổi lên của các vấn đề phát triển bên cạnh vấn đề an ninh, các vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh vấn đề an ninh truyền thống. Quá trình này vẫn đang tiếp tục do sự phát triển của quan hệ quốc tế, do nhu cầu an ninh và phát triển của quốc gia ngày càng gắn chặt với môi trường quốc tế.
Hiện nay, quá trình gia tăng các vấn đề chung vẫn đang tiếp tục và diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Trong số này, các vấn đề liên quan đến quyền lực vẫn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu bởi vai trò của quyền lực trong quan hệ quốc tế, bởi sự gắn bó giữa quyền lực với an ninh và phát triển, và bởi chúng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nước, nhất là các cường quốc trong cục diện quốc tế. Ngoài ra, nếu những vấn đề chung liên quan đến an ninh phi truyền thống thường gây ra những biến đổi từ từ của cục diện, thì những vấn đề liên quan đến quyền lực và an ninh truyền thống có thể gây ra biến động mạnh và thậm chí làm đảo lộn cả cục diện. Đồng thời, do bản chất của các vấn đề chung này bao hàm cả vấn đề riêng của quốc gia nên sự tồn tại của chúng tất yếu ảnh hưởng nhiều đến đời sống quốc gia. Đối với các yếu tố khác của cục diện, vấn đề chung trở thành vấn đề của cả hệ thống - cấu trúc quốc tế, tác động đến sự sắp xếp lực lượng và lực đẩy cho xu hướng chung. Với những tác động đến cả cục diện và quốc gia như trên, các vấn đề chung cũng là một yếu tố cơ bản của cục diện quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác tham dự
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 20-9-2022_Ảnh: SPUTNIK
Chính sách của các cường quốc
Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ(3). Chính sách của một quốc gia phản ánh mục tiêu và cách thức hành động của quốc gia trong khoảng thời gian nào đó. Do các cường quốc có vai trò lớn trong hệ thống - cấu trúc quốc tế và có khả năng chi phối đáng kể đến quan hệ quốc tế nên chính sách của những nước này có ảnh hưởng nhiều đến toàn cục diện quốc tế. Trong số này, chính sách đối ngoại của các cường quốc, nhất là các chính sách đối với cục diện quốc tế và quan hệ với các cường quốc khác có tác động lớn nhất đến cục diện bởi chúng thường huy động sức mạnh tổng hợp quốc gia để thực hiện. Trong bối cảnh thế giới ngày càng tùy thuộc lẫn nhau, một số chính sách đối nội của những nước này cũng có thể gây ra tác động tới cục diện, nhất là các chính sách kinh tế và chính trị do hai lĩnh vực này có sự liên quan nhiều nhất tới các quốc gia khác. 
Vai trò của yếu tố này đối với cục diện thể hiện rõ nhất trong tác động tới các yếu tố cơ bản kể trên của cục diện. Hai mục tiêu chính sách cốt lõi của các cường quốc là tìm cách nâng cao quyền lực quốc tế và xây dựng cấu trúc quốc tế có lợi cho mình. Từ đó, chính sách này đem lại tác động lớn và khá thường xuyên tới sự phân bố quyền lực trên cả hai hướng là vấn đề quyền lực trong quan hệ quốc tế và cấu trúc quyền lực của cục diện. Cũng với lý do cấu trúc trên, chính sách của các cường quốc tác động nhiều đến hai yếu tố khác của cấu trúc quốc tế là mẫu hình quan hệ phổ biến và thể chế hóa. Các cường quốc có khả năng lớn trong việc thúc đẩy hay thay đổi mẫu hình quan hệ phổ biến, cũng như lãnh đạo hay dẫn dắt các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, trong chừng mực nào đó, các cường quốc còn đem lại sự bảo đảm nhất định cho tính hiệu lực cho luật lệ chung trên toàn cục diện. Đối với lực lượng, bản thân các cường quốc đã là một lực lượng - lực lượng được xếp loại mạnh nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cục diện và trên nhiều lĩnh vực của cục diện. Điều này được quy định bởi sức mạnh vượt trội của những nước này so với các lực lượng khác. Đối với các xu hướng lớn, chính sách của các cường quốc đóng vai trò lực đẩy chính khi các xu hướng có lợi cho họ. Lợi ích của các cường quốc càng lớn, lực đẩy từ chính sách của họ đối với xu hướng càng mạnh và càng dễ mở rộng ra toàn cục diện. Đối với các vấn đề chung, đó cũng là vấn đề ảnh hưởng nhiều tới lợi ích của các cường quốc trên cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế. Vì thế, sự quan tâm và khả năng huy động nguồn lực để ứng phó của các nước này sẽ lớn hơn so với các nước vừa và nhỏ. Qua đó, tác động của các chính sách này tới các vấn đề chung cũng tăng lên.
Như vậy, đối với các yếu tố cơ bản khác của cục diện, chính sách của các cường quốc đều có tác động và vai trò lớn. Cùng với khả năng tác động đến quốc gia khác và quan hệ quốc tế, chính sách của các cường quốc đóng vai trò là yếu tố cơ bản của cục diện. Ngoài ra, chính sách của các cường quốc thường có tác động tới quốc gia khác nhiều hơn là ngược lại bởi, các cường quốc có ưu thế trong tương quan so sánh sức mạnh. Điều này càng làm tăng vai trò của yếu tố này đối với cục diện quốc tế.
Đôi điều rút ra
Dựa trên sự phân tích vai trò của các yếu tố trên đối với cục diện, có thể rút ra một vài nhận xét ban đầu:
Một là, cục diện quốc tế là một hiện tượng có tính tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố cấu thành. Các yếu tố này không chỉ là thành tố của cục diện, mà còn là cơ sở của cục diện, có tác động lớn và có thể làm thay đổi cục diện. Việc nghiên cứu các yếu tố này giúp đưa ra bức tranh tổng thể, tức là “diện mạo” của cục diện. Đồng thời, việc phân tích tập trung vào các yếu tố cơ bản cũng giúp tìm hiểu sâu về “bố cục” và cơ chế vận động của cục diện, cũng như những tác động của nó tới quốc gia và quan hệ quốc tế.
Hai là, giữa các yếu tố đó vừa có sự độc lập nhất định, vừa có mối liên hệ qua lại với nhau. Do sự phát triển nhiều mặt của đời sống quốc tế nên các mối liên hệ này ngày càng tăng. Điều này làm cho cục diện ngày càng trở thành chỉnh thể có tính hệ thống. Trong số bảy yếu tố cơ bản của cục diện nói trên, có ba yếu tố thuộc cấu trúc quốc tế gồm sự phân bố quyền lực, mẫu hình quan hệ phổ biến, luật lệ chung (thể chế chung). Các yếu tố còn lại đều chịu tác động của cấu trúc. Do đó, hoàn toàn có thể sử dụng cách tiếp cận hệ thống - cấu trúc khi nghiên cứu cục diện.
Ba là, cục diện quốc tế có cơ chế vận động của mình. Cơ chế vận động của cục diện dựa trên sự vận động của các yếu tố cơ bản trên, cũng như sự thay đổi trong tương tác giữa chúng. Khi yếu tố này thay đổi sẽ tác động sang yếu tố khác và thúc đẩy sự vận động của toàn bộ cục diện. Cục diện thay đổi sẽ làm cho tác động từ cục diện tới quốc gia và quan hệ quốc tế cũng thay đổi. Vì thế, cần có cái nhìn biện chứng khi xem xét cục diện. Điều này có thể giúp nhận định kịp thời và chính xác hơn sự thay đổi trong các tác động từ cục diện. Ngoài ra, việc tìm hiểu cơ chế vận động của cục diện giúp cung cấp thêm cơ sở để nhận định và dự báo tình hình quốc tế.
Bốn là, cục diện quốc tế có không gian và thời gian của nó. Phạm vi không gian được xác định dựa trên quy mô không gian của hệ thống quốc tế. Độ dài thời gian của cục diện được xác định dựa trên sự vận động và thay đổi của nó. Theo đó, hoàn toàn có thể có cục diện thế giới, cục diện khu vực. Tương tự, hoàn toàn có thể có cục diện trong một thời kỳ lịch sử lớn, cũng như cục diện trong những khoảng thời gian ngắn hơn.
Năm là, nghiên cứu môi trường bên ngoài, tình hình, bối cảnh hay cục diện quốc tế đều có chung mục đích để tìm hiểu những tác động từ bên ngoài tới quốc gia và quan hệ quốc tế. Tìm hiểu tác động cần phân tích nguồn gốc quy định sự thay đổi của tác động. Qua phân tích ở trên, có thể thấy, các yếu tố này chính là nguồn gốc tác động từ cục diện tới quốc gia và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những tác động này không giữ nguyên mà có sự vận động và thay đổi. Điều này được quy định bởi sự vận động của từng yếu tố, cũng như do tác động qua lại giữa các yếu tố đó với nhau. Trong đó, ngoài yếu tố đóng vai trò nguồn, các yếu tố còn lại đóng vai trò như tác nhân có ảnh hưởng tới tác động. Ngoài ra, tùy từng giai đoạn, các yếu tố cũng đóng vai trò đối với cục diện không giống nhau.
Sáu là, cục diện có tính quá trình, thể hiện qua sự vận động của các yếu tố cấu thành. Sự vận động của quá trình này không hoàn toàn mang tính khách quan mà chịu ảnh hưởng nhất định của những yếu tố chủ quan và cả những yếu tố ngẫu nhiên. Với quá trình hiện nay, cục diện sẽ ngày càng chứa đựng cả những vận động đa hướng, thậm chí trái chiều. Do đó, tác động từ cục diện trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Tuy nhiên, các tác động từ cục diện phụ thuộc vào sự đánh giá, nhìn nhận của từng quốc gia. Ngoài ra, cục diện luôn chứa đựng cả cơ hội và thách thức đối với quốc gia. Việc tranh thủ cơ hội, hạn chế thách thức như thế nào phụ thuộc vào năng lực nhận thức và năng lực vật chất của quốc gia./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
--------------------
(1) Về vai trò của sự phân bố quyền lực đối với cấu trúc quốc tế, vai trò của cấu trúc đối với quan hệ quốc tế, xin tham khảo thêm: Hoàng Khắc Nam (chủ biên): Cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020
(2) Về sự tản quyền trong môi trường, xin tham khảo thêm: Chương 6: Chính trị Xanh, trong Hoàng Khắc Nam (chủ biên): Lý thuyết Quan hệ quốc tế, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017
(3) Từ điển Bách khoa Việt Nam, Trung tâm đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1994, t. 1, tr. 454
Tin liên quan