KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 29/06/2024 - Lượt xem: 211
Phát huy giá trị sản phẩm OCOP

Những năm qua, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (Chương trình OCOP) đã tạo động lực quan trọng nâng cao giá trị sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng doanh thu, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tại huyện Văn Giang, thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 3 sao và 4 sao. Một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như: Cam Văn Giang, bánh tẻ, ổi Văn Giang, bánh dày, khô gà, mật ong Danh Vị…
Giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang đến khách hàng
Đồng chí Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: Sau khi các sản phẩm đặc trưng tại địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể tham gia đều đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì, quan tâm quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Các chủ thể đều chấp hành những điều kiện về sản xuất an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các điều kiện sản xuất, kinh doanh khác…
Với sản phẩm bánh dày được công nhận OCOP 3 sao năm 2023, chị Nguyễn Thị Kim, chủ cơ sở sản xuất bánh dày Kim Phụng, xã Cửu Cao (Văn Giang) chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP giúp sản phẩm của gia đình tôi tăng lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng hơn, tạo được uy tín với khách hàng. Đặc biệt, chương trình giúp gia đình tôi tự hoàn thiện quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã và nâng tầm giá trị sản phẩm hơn nữa.
6 tháng đầu năm nay, huyện Kim Động có thêm 6 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 43 sản phẩm. Nhìn chung, các sản phẩm OCOP của huyện đáp ứng đủ điều kiện về nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm… Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động khẳng định: Các sản phẩm OCOP trong huyện được hỗ trợ tham gia các phiên chợ, hội nghị, hội chợ… quảng bá nông sản và đặc sản ở trong và ngoài tỉnh, góp phần giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng và xây dựng được các mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong tương lai… Sản phẩm OCOP tăng 15 – 20% giá trị so với sản phẩm cùng loại trong huyện. 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay toàn tỉnh có 265 sản phẩm OCOP với 99 chủ thể tham gia; trong đó, có 219 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 46 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Các sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng, tiêu biểu như: Các sản phẩm từ nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu), long nhãn ôm sen của Công ty TNHH Vinagri (Tiên Lữ), mật ong, hạt sen của cơ sở kinh doanh Mai Trang (thành phố Hưng Yên)… 
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, song việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế và chưa bảo đảm tính bền vững. Sản phẩm chưa đa dạng và chưa có sản phẩm quốc gia (5 sao). Một số chủ thể chưa mạnh dạn đưa sản phẩm tham gia các phiên chợ, hội chợ, hội nghị giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, nông sản địa phương…
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: Thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, hỗ trợ các chủ thể về thiết bị sản xuất, kinh doanh, đầu tư khoa học, công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng dẫn các chủ thể OCOP quan tâm đầu tư mẫu mã, bảo đảm chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Cùng với đó, các địa phương cần quy hoạch, bảo đảm vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu đầu vào, bảo đảm truy xuất nguồn gốc để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của các chủ thể. Các chủ thể cần đặt tên gọi sản phẩm gắn với địa danh, địa lý, văn hóa, đặc sản hoặc tên cơ sở sản xuất để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường và thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản địa phương…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan