KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 17/07/2024 - Lượt xem: 295
Phát triển thương mại – dịch vụ theo quy hoạch

Thời gian qua, lĩnh vực thương mại – dịch vụ (TM – DV) trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng TM – DV theo quy hoạch nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh.

Trung tâm thương mại Như Quỳnh Center (Văn Lâm) được xây dựng hiện đại, nhiều tiện ích, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển
Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt trên 51,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt trên 16,5 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt trên 1,4 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành đạt 34 tỷ đồng; còn lại là doanh thu các ngành dịch vụ khác. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.250 triệu USD. Để đạt được những kết quả trên, tỉnh luôn chú trọng công tác quy hoạch TM - DV nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung nguồn lực để phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao và xác định đây là một trong ba ngành kinh tế quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tại Quyết định số 489/QĐ – TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ việc phân vùng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, vùng kinh tế phía Nam của tỉnh phát triển đô thị, khoa học - công nghệ, dịch vụ, du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn phát huy giá trị cốt lõi của vùng Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng. Vùng phía Bắc phát triển đô thị, công nghiệp gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế quan trọng quốc gia, quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế. Ba đô thị trung tâm được xác định rõ là: Thành phố Hưng Yên, đô thị Văn Giang và đô thị Mỹ Hào; trong đó, thành phố Hưng Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ… của tỉnh; kết nối về phía Bắc với huyện Kim Động phát triển đô thị sinh thái, du lịch dọc sông Hồng; kết nối về phía Đông với huyện Tiên Lữ phát triển dịch vụ, khoa học, đào tạo, trung tâm khởi nghiệp. Đô thị Văn Giang phát triển theo hướng sinh thái, thông minh và hiện đại. Đô thị Mỹ Hào phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, TM – DV và nhà ở theo hướng thông minh, hiện đại; phát triển gắn với hạ tầng khung quốc gia trong hành lang công nghiệp – đô thị của tỉnh, là trục liên kết mới phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đầu mối logistics. Việc phát triển dịch vụ du lịch tập trung vào các địa điểm trọng tâm về du lịch gồm: Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Đa Hòa – Dạ Trạch (Khoái Châu), cây đa và đền thờ La Tiến (Phù Cừ), làng Nôm (Văn Lâm) và khu du lịch sinh thái Ecopark (Văn Giang) kết hợp xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, hứa hẹn sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước trong tương lai. Phấn đấu đến năm 2030, ngành dịch vụ chiếm 25,4% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 – 13 tỷ USD…
Để định hướng phát triển hệ thống hạ tầng thương mại theo quy hoạch, tỉnh đã thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối nông sản ở các địa phương trong tỉnh, nổi bật là dự án Trung tâm thương mại GO! Hưng Yên (thành phố Hưng Yên), Trung tâm hội nghị Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), chợ đầu mối nông sản sông Hồng (Yên Mỹ). Đến nay, toàn tỉnh có 12 chợ thành thị, 90 chợ nông thôn, 2 chợ đầu mối và hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị, hàng trăm cửa hàng tự chọn ở các huyện, thị xã, thành phố, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất và thương mại, phát triển thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh. Tại Nghị quyết số 368/NQ-HĐND ngày 6/7/2023, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Điều này không chỉ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân mà còn hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch... thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên; hình thành tuyến đường liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng; kết nối giao thông vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình, thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thương mại điện tử. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ. Khai thác thế mạnh của tỉnh, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, văn hóa, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa của vùng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan