KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 02/02/2024 - Lượt xem: 417
Phòng, chống tham nhũng để tăng cường đại đoàn kết - Tư tưởng nổi bật trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng

Trong lúc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta diễn ra hết sức quyết liệt, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản. Cuốn sách chứa đựng nhiều quan điểm, tư tưởng quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư cũng như của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có mối quan hệ giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tăng cường đoàn kết.

Phòng, chống tham nhũng để tăng cường đoàn kết
Tham nhũng, tiêu cực là kẻ thù số một của khối đoàn kết, thống nhất. Trong các tổ chức đảng, tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu thống nhất về chính trị - tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho cấp dưới không tin tưởng cấp trên, nguyên tắc tập trung dân chủ bị coi nhẹ; nội bộ xảy ra tình trạng kéo bè kết cánh, phe phái lợi ích, thậm chí triệt hạ lẫn nhau, dẫn đến nguy cơ suy giảm niềm tin vào tổ chức, chế độ. Trong xã hội, tham nhũng, tiêu cực xâm phạm quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân, khiến cho nhân dân suy giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tổ chức đảng để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực sẽ không thể phát huy được vai trò là hạt nhân đoàn kết quần chúng. Không những thế, tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân và giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng để giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”(1), đồng thời chỉ rõ cuộc đấu tranh này “góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”(2).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu và cử tri thành phố Hà Nội _Nguồn: nhandan.vn
Thời gian qua, khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh sự tin tưởng, phấn khởi của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, vẫn có những luồng dư luận tiêu cực. Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước”(3). Thực chất, đây là những nhận thức sai lệch của một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng không kiên định, vững vàng, là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khi đánh đồng những người dám nghĩ, dám làm với làm liều, làm ẩu; đánh đồng việc bao che, né tránh sai lầm, khuyết điểm với sự ổn định của tổ chức. Động cơ thực sự đằng sau những quan điểm này chính là để dung túng, bao che cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực; làm giảm quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”(4).
Bên cạnh đó, các thế lực xấu, thù địch đã và đang ra sức tuyên truyền luận điệu sai trái cho rằng: Đảng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”. Đây là luận điệu hết sức thâm độc, nguy hiểm, mưu toan xóa đi ý nghĩa tích cực của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, biến thành một hoạt động mang đầy động cơ tiêu cực. Nó trực tiếp phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, khiến cho chính những người đang kiên cường đấu tranh với sai phạm, khuyết điểm phải mang tiếng xấu. Đáng lo ngại hơn, những luận điệu sai trái này lại đang có ảnh hưởng ở mức độ nhất định trong một bộ phận nhân dân, gây ra sự hoang mang, dao động, nghi ngờ của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận diện đích xác những âm mưu này, đồng thời chỉ rõ: “Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”(5). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người”(6). Đương nhiên, những luận điệu xuyên tạc, phản động ấy không thể làm “chùn bước” cuộc đấu tranh của chúng ta, song cũng không thể xem nhẹ, coi thường.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, những kết quả mà chúng ta đạt được trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, đồng thời giữ vững và tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân.
Tăng cường đoàn kết để đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, việc giữ vững, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không chỉ nêu lên sự cần thiết phải tăng cường đoàn kết mà còn chỉ ra nguyên tắc, điều kiện để khối đoàn kết toàn Đảng, toàn dân tộc trở thành sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(7). Nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đoàn kết nhất trí là truyền thống rất quý báu của Đảng ta. Ngay cả những lúc cách mạng gặp sóng gió, khó khăn, ở những bước ngoặt phức tạp của lịch sử, Đảng ta luôn luôn giữ vững khối đoàn kết thống nhất. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo và đoàn kết được toàn dân, đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên”(8).
Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực đang là một trong những thách thức lớn nhất đe dọa sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Những năm qua, tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, tinh vi, len lỏi vào sâu trong bộ máy Đảng, Nhà nước; nhiều cán bộ, trong đó có cả một số cán bộ giữ chức vụ, vị trí cao đã “nhúng chàm”. Những cán bộ thoái hóa, biến chất kết bè kéo cánh, thông đồng, cấu kết, hình thành “nhóm lợi ích”, trục lợi cả cơ chế, chính sách, pháp luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật tư, hàng, tiền, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, buôn lậu, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với bọn gian thương, tư sản để làm giàu. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, đảng viên lâu năm bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa… Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân rất bức xúc, bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp của Đảng”(9). Do đó, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên chân chính phải đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết chặt chẽ cùng với Đảng tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Ngày nay, trong hoàn cảnh mới của đất nước, trước những khó khăn về kinh tế và đời sống, trước một số hiện tượng tiêu cực trong Đảng và trong xã hội ta, kẻ thù đang âm mưu phá hoại, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ cấp dưới với cấp trên, chia rẽ miền Nam với miền Bắc... Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải chăm lo củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(10).
Để xây dựng khối đoàn kết vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trước hết cần chú trọng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, bởi “chăm lo giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng là cơ sở để tăng cường đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng”(11). Đồng thời, phải biến việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất thành quan điểm, chủ trương và đi vào hành động cụ thể của mọi cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là phải có những giải pháp đủ mạnh, những việc làm cụ thể để làm chuyển biến rõ rệt tình hình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc bức xúc đã được chỉ ra”(12).
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong các cơ quan trực tiếp tiến hành đấu tranh, trong đó đi đầu là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp đó là các cơ quan thuộc khối nội chính và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Đây là những cơ quan “đầu sóng ngọn gió”, là “bộ não” của toàn bộ hoạt động đấu tranh. Tổng Bí thư yêu cầu: “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên của Ban, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, thực hiện đúng bốn chữ: liêm - dũng - chính - trực. Tức là phải liêm khiết, dũng cảm, ngay thẳng, cương trực. Không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Bản thân mình có sạch sẽ thì mới chống tham nhũng được”(13). Đồng thời, “phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan nội chính với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, Nhà nước; bảo đảm “đúng vai, thuộc bài”, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”(14).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố đoàn kết, thống nhất trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ phải có nhận thức đúng đắn, rõ ràng về đoàn kết, phân biệt đoàn kết thực sự với thói cục bộ, bè phái, bản vị; đồng thời phân biệt giữa việc tranh luận ý kiến trong Đảng với tình trạng mất đoàn kết. Theo Tổng Bí thư, “Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng phải được xây dựng trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn, tình cảm cách mạng trong sáng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thực hiện chính sách cán bộ một cách nhất quán, công bằng”(15); “Mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, địa phương, thiếu công bằng, bệnh quan liêu, không sâu sát đều dẫn tới những hậu quả tiêu cực trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”(16). Đảng ta mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, bản chất ấy “không tương dung với chủ nghĩa phường hội, cục bộ, bản vị, phân tán. Trái lại, nó đòi hỏi phải có tư tưởng thống nhất, hành động thống nhất, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân và tập thể, bộ phận và toàn cục”(17). Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng trên tình đồng chí của những người cộng sản. Tổng Bí thư nêu rõ: “Những người cộng sản công tác ở cùng một lĩnh vực hoặc ở các lĩnh vực khác nhau, dù trẻ hay già, có cương vị công tác cao hay thấp, luôn luôn đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng”(18).
Trong Đảng, cần phải coi việc tranh luận, thảo luận là sinh hoạt bình thường và lành mạnh, thậm chí rất cần thiết để đi đến thống nhất chung, đồng thời giúp cho đường lối, quan điểm của Đảng luôn đúng đắn, phù hợp. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Không nên đồng nhất việc trong Đảng có những ý kiến khác nhau khi thảo luận, tranh luận với tình trạng mất đoàn kết. Trước sự phát triển của cách mạng, có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất phức tạp, chưa sáng tỏ, trong Đảng cần có thảo luận, tranh luận. Đây là sinh hoạt bình thường và lành mạnh trong Đảng, phản ánh bước trưởng thành của Đảng. Nếu mọi cán bộ, đảng viên đều nghiêm túc chấp hành nghị quyết của tổ chức, đồng thời biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, có việc phải chờ đợi nhau, giải quyết có lý có tình, không vội vàng quy chụp, thì sẽ giữ gìn được sự đoàn kết”(19).
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nghiên cứu tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng _Ảnh: TTXVN
Để xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nêu rõ phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng ta. Giữ vững nguyên tắc này vừa là cơ sở để Đảng ta phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên, vừa gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào mọi công việc, đồng thời hạn chế được tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào nguyên tắc tập trung dân chủ không được duy trì nghiêm túc thì ở đó, khi đó tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ nảy sinh, tổ chức đảng sẽ rơi vào tình trạng yếu kém, mất sức chiến đấu. Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất quyết phải giữ vững nguyên tắc này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bản chất giai cấp công nhân đòi hỏi Đảng phải được tổ chức chặt chẽ và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mọi sự chia rẽ, bè phái, buông lỏng kỷ luật đều trái với bản chất giai cấp công nhân của Đảng”(20). Tổng Bí thư cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Phải giữ vững quy chế làm việc theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo. Những vấn đề quan trọng phải trải qua thảo luận tập thể, biểu quyết và chấp hành theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số”(21).
Cùng với việc duy trì nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, tích cực tự phê bình và phê bình. Đây chính là con đường, phương thức căn bản để làm trong sạch nội bộ, đồng thời củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tổng Bí thư yêu cầu: “Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. Chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình thương yêu đồng chí. Tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết ở một số nơi. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng kèn cựa địa vị, tranh giành ngôi thứ, lợi lộc, cũng như đầu óc cục bộ, bản vị; bồi dưỡng tình yêu thương đồng chí, tôn trọng lẫn nhau, vì sự nghiệp chung”(22). Đồng chí Tổng Bí thư cũng căn dặn muốn tự phê bình và phê bình đi vào thực chất, hiệu quả thì mỗi cá nhân, tổ chức đều phải thực sự nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, đồng thời kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng kiểm điểm, tự phê bình và phê bình để thực hiện những động cơ không trong sáng. “Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn”(23).
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, bên cạnh việc củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, cần đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò, sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng. Tại Đại hội XIII, Đảng ta cũng xác định phải phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí”(24). Những quan điểm, tư tưởng này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”(25).
Có thể nói, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chứa đựng những quan điểm lý luận căn bản của Đảng ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của người giữ cương vị, trọng trách cao nhất trong Đảng đối với vấn đề này. Những quan điểm, tư tưởng ấy của Tổng Bí thư  - trong đó có quan điểm về mối quan hệ gắn bó biện chứng giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tăng cường đoàn kết - có giá trị to lớn trong việc định hướng tư tưởng, nhận thức, hành động và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
------------------------------------
* Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tháng 2-2023
(1), (2), (3), (4), (5), (6) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 14, 126, 126, 126, 14, 24
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 622
(8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) Nguyễn Phú Trọng, Sđd, tr. 221 - 222, 234 - 235, 222, 222, 394, 146, 423, 258, 212, 255, 486 - 487, 258, 255, 222, 281, 319
(24) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, p. I, tr. 196
(25) Nguyễn Phú Trọng, Sđd, tr. 21
Tin liên quan