KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 14/08/2024 - Lượt xem: 202
Quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững

Diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, do vậy, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn gắn với hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn và tăng cường liên kết theo chuỗi.

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế

Hiện nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh có 14.760 héc-ta, trong đó, nhãn có 4.900 héc-ta, vải có 1.324 héc-ta, cây có múi đạt 4.065 héc-ta, chuối đạt 2.625 héc-ta. Ngoài ra, diện tích gieo trồng rau màu hằng năm của tỉnh có khoảng 14 nghìn héc-ta, diện tích gieo cấy lúa đạt hơn 25 nghìn héc-ta/vụ. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến như: nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững và thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,0% - 2,5%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế nông nghiệp: Trồng trọt 40% - chăn nuôi 57% - dịch vụ nông nghiệp 3%. Giá trị thu được bình quân trên 1 héc-ta canh tác đạt trên 250 triệu đồng; cấp mới, mở rộng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho 60 - 70 mô hình tham gia; thành lập mới 80 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 700 tổ hợp tác nông nghiệp; có trên 50% số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2026 - 2030 tăng bình quân 2,0% - 2,5%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành: Trồng trọt 35% - chăn nuôi 60% - dịch vụ nông nghiệp 5%; thành lập mới 150 HTX nông nghiệp; thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên; xây dựng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững.

Lĩnh vực trồng trọt, phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển, mở rộng thêm 3.000 - 3.500 héc-ta để đến năm 2025 đưa tổng diện tích trồng cây ăn quả lên khoảng 17.500 héc-ta; ổn định diện tích trồng nhãn (5.000 héc-ta), tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống nhãn đặc sản, nhãn chín muộn chất lượng tốt; ổn định diện tích trồng cam khoảng 2.000 héc-ta tại các vùng trồng hiện nay; cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư thâm canh, ghép cải tạo giống, thay thế bằng giống mới; ổn định diện tích trồng chuối khoảng 2.500 héc-ta tại các vùng sản xuất hiện nay; phát triển, mở rộng thêm diện tích trồng vải từ 500 đến 700 héc-ta, nâng tổng diện tích trồng vải đến năm 2025 đạt khoảng 1.800 héc-ta, chủ yếu tại các huyện Phù Cừ và Ân Thi (vải trứng Hưng Yên chiếm khoảng 30% diện tích); phát triển, mở rộng diện tích trồng bưởi khoảng 370 - 400 héc-ta, nâng diện tích trồng bưởi đến năm 2025 lên 2.000 héc-ta. Phát triển mở rộng khoảng 500 héc-ta trồng hoa, nâng diện tích trồng hoa của tỉnh đến năm 2025 lên 1.500 héc-ta; phát triển, mở rộng khoảng 120 héc-ta cây cảnh tại các huyện Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ... nâng diện tích cây cảnh của tỉnh đến năm 2025 lên 1.000 héc-ta. Đến năm 2025, diện tích canh tác lúa dự kiến còn 20.738 héc-ta, năm 2030 còn 15.007 héc-ta…  

Nông dân huyện Phù Cừ trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAPcho hiệu quả kinh tế cao

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng ổn định và giảm tỉ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỉ trọng chăn nuôi gia cầm và trâu, bò trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các địa phương gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Phát triển thuỷ sản theo hướng hàng hóa hiệu quả kinh tế cao và bền vững; tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn GAP, tăng cường áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi thủy sản trên ao bán nổi, nuôi cá sông trong ao, nuôi cá lồng... 

Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, phương án tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được bố trí không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả điều kiện đất đai, sinh thái địa phương trong tỉnh và hạ tầng thủy lợi để hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tập trung, hình thành các dải xanh, vành đai xanh giữa các đô thị, trọng tâm là vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ; vùng sản xuất rau màu tại các huyện: Yên Mỹ, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ; vùng hoa, cây cảnh tại các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động; vùng sản xuất dược liệu tại các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động và thành phố Hưng Yên; vùng cây ăn quả tại các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao, đô thị đến những vùng có mật độ dân số thấp, các xã, huyện có điều kiện bố trí đất đai để phát triển chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Tập trung hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ, Văn Lâm, Yên Mỹ, Kim Động. Phát triển các vùng nuôi thả thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ.

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan