KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/01/2024 - Lượt xem: 516
Tăng cường bồi dưỡng văn hóa chính trị cho sinh viên

Tăng cường bồi dưỡng văn hóa chính trị là cơ sở quan trọng để sinh viên nghiên cứu, nắm vững và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Văn hóa chính trị là một thành tố của văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức xã hội, định hướng điều chỉnh các hành vi và quan hệ xã hội đồng thời cổ vũ, thúc đẩy hoạt động của cá nhân và giai cấp. Văn hóa chính trị giữ vai trò to lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong tổ chức xã hội, định hướng điều chỉnh hành vi và quan hệ xã hội.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức chống phá nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, gây sự hoài nghi, hoang mang, dao động, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là đòi hỏi tất yếu khách quan mà còn là vấn đề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, vận mệnh và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, sinh viên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Sinh viên là những người được đào tạo cơ bản, được trau dồi những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lực lượng đông đảo có năng lực trong tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, cần quan tâm bồi dưỡng văn hóa chính trị cho sinh viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm giúp họ nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch.
Cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa chính trị thuận lợi để sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. (Ảnh: Nguyễn Trường).
Văn hóa chính trị của sinh viên được thể hiện trong tư tưởng, hành vi, phẩm chất và trong các hành hoạt động chính trị thực tiễn của mỗi cá nhân trước tập thể, cộng đồng, xã hội. Hiện nay, đời sống chính trị xã hội đang có những tác động không nhỏ đến nhãn quan chính trị, định hướng chính trị, phẩm chất, tri thức của sinh viên. Đặc biệt, mặt trái kinh tế thị trường làm cho một bộ phận sinh viên dao động về lý tưởng sống; làm nảy sinh tâm lý ngại học, ngại rèn luyện bản thân. Do vậy, cần tăng cường bồi dưỡng văn hóa chính trị để giúp sinh viên hiểu rõ mục tiêu lý tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; từ đó củng cố niềm tin và nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho sinh viên. Giúp sinh viên thêm hiểu biết và nhận thức đúng đắn về nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó tích cực tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trước hết, thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục chính trị đối với sinh viên. Giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng cho sinh viên. Chú trọng học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, giúp tiếp thu được những tri thức lý luận khoa học, tinh thần cách mạng; xác định rõ lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác cách mạng, để nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là khả năng tập hợp, lôi kéo, thuyết phục và cổ vũ quần chúng nhân dân trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với đó, không ngừng tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện lý luận. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh chú trọng phương pháp, phong cách, đạo đức và lối sống của Người. Qua đó, tạo điều kiện cơ bản để nâng cao trình độ lý luận, khả năng công tác và đạo đức cách mạng, một điều kiện cơ bản để nâng cao văn hóa chính trị và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách cho sinh viên. Đồng thời, nắm vững Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng chính là cơ sở chủ yếu để nâng cao văn hóa chính trị cho sinh viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi vì, Cương lĩnh chính trị xác định mục tiêu, con đường và những phương pháp chủ yếu trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, của Đảng và của các lực lượng cách mạng, chỉ ra động lực, hình thức, phương tiện chủ yếu để đạt được những mục tiêu chiến lược trong những giai đoạn cách mạng mới.
 Thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục chính trị đối với sinh viên. (Ảnh: Thùy Chinh).
Nắm vững Cương lĩnh, đường lối của Đảng, giữ vững tính kiên định chính trị, đồng thời thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực cụ thể nhằm quán triệt đúng đắn Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, góp phần hoàn thiện phẩm chất, năng lực của người cán bộ. Bất kỳ một sự dao động, nghiêng ngả hoặc tính toán sai trái nào trên những vấn đề thuộc về nguyên tắc của Đảng đều có thể dẫn đến sự suy thoái không chỉ văn hóa chính trị của cá nhân người cán bộ lãnh đạo mà còn gây hại lớn cho Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, bồi dưỡng văn hóa chính trị cần gắn liền với tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho sinh viên. Theo đó, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho sinh viên kết hợp với việc đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo chất lượng về phẩm chất đạo đức, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, giúp họ nêu cao ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, quy định của các nhà trường, địa phương nơi cư trú. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; coi trọng khơi dậy ở sinh viên tinh thần “7 dám” và phát huy phẩm chất đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa dân tộc.
Đồng thời, các tổ chức đảng tại các cơ sở giáo dục đại học phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có đủ khả năng lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của đơn vị; tổ chức đảng phải thực sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thường xuyên phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết của các cấp uỷ đảng và tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học. Tổ chức Đoàn thanh niên phải thường xuyên củng cố, kiện toàn về mọi mặt, phát huy dân chủ trong quá trình hoạt động, làm cho tổ chức này thực sự là nơi tập hợp, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho sinh viên. Tổ chức Đoàn phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của đối tượng sinh viên; phải hướng vào nhiệm vụ giáo dục - đào tạo cũng như giáo dục mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đạo đức cách mạng cho sinh viên.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa chính trị thuận lợi cho sinh viên. Môi trường văn hóa chính trị có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và nhân cách của con người. Do vậy, cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa nhà trường thật sự trong sạch, lành mạnh, nhân văn, dân chủ, đề cao và tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, tôn sư trọng đạo. Các cơ sở giáo dục đại học cần trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng mềm trong việc xử lý các thông tin, tình huống phức tạp trên không gian mạng. Cung cấp cho họ những thông tin, tri thức pháp luật, các quy định của Nhà nước khi tham gia cung cấp, chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các diễn đàn truyền thông, mạng xã hội; hình thành lối ứng xử văn hóa, văn minh; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng; chủ động đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018, Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2020), Phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, Đề tài khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
Tin liên quan