KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 02/08/2024 - Lượt xem: 325
Tăng cường hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão đối với sản xuất trồng trọt

Ngày 31/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1331/SNN–TrTr về việc tăng cường hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão đối với sản xuất trồng trọt. Nội dung như sau:

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và kéo dài đã gây ngập, úng một số diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, ngay sau mưa bão Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1280/SNN-TrTr ngày 24/7/2024 về việc chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh vẫn còn khoảng 300 héc-ta lúa phải gieo, cấy lại; gần 200 héc-ta rau, màu và cây ăn quả bị ảnh hưởng.

Nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa, thống kê thiệt hại, kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Đối với cây lúa

- Huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, tiêu nước đệm, bơm thoát nước thật nhanh đề phòng có mưa lớn còn diễn ra trong thời gian tới.

- Đối với những diện tích lúa ngập nặng, mất lúa: Khẩn trương thu dọn tàn dư và chủ động gieo, cấy lại hoàn thành trước ngày 10/8/2024. Sử dụng giống ngắn ngày có thời gian sinh trưởng vụ mùa tối đa 100 ngày như: HN6, QR1, Khang dân 18... để gieo, cấy lại hết diện tích bị mất.

Trường hợp không thể gieo, cấy lại được thì chủ động chuyển sang trồng các loại rau ưa nước như cải xoong, rau cần, rau muống... Tuyệt đối không được để ruộng trắng.

- Đối với diện tích lúa bị ngập nhẹ, lúa bị chết chòm: sử dụng mạ dự phòng, mạ còn dư hoặc tỉa từ ruộng gieo vãi dày cùng giống để cấy dặm, bổ sung cho những diện tích lúa đã mất. Khi cây lúa ra lá mới thì tiến hành bón phân bổ sung, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, phân bón NPK có hàm lượng lân cao để cây lúa nhanh hồi phục.

- Đối với diện tích lúa không bị ảnh hưởng bởi úng, ngập: tiến hành chăm sóc bình thường theo quy trình kỹ thuật của từng giống.

 2. Đối với cây rau màu

- Thu hoạch nhanh những diện tích cây rau, màu đã đến kỳ thu hoạch nhằm hạn chế tối đa tổn thất do mưa bão gây ra. 

- Với các diện tích rau, màu chưa đến kỳ thu hoạch: tiến hành vệ sinh đồng ruộng, trồng dặm bổ sung đảm bảo mật độ, vun cao luống, xới xáo mặt luống tạo sự thông thoáng cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Khi thời tiết thuận lợi, cây đã hồi phục tiến hành các biện pháp chăm sóc như bình thường.

- Tiếp tục gieo, trồng khi thời tiết thuận lợi đảm bảo kế hoạch tỉnh giao. Chú ý vun cao luống khi trồng để hạn chế ngập, úng khi có mưa lớn.

3. Đối với cây ăn quả

Phải xẻ rãnh, gạn tháo nước đề phòng có mưa lớn trong thời gian tới, không được để nước đọng vùng quanh gốc các loại cây ăn quả làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và chất lượng quả.

- Khi thời tiết đang mưa hoặc dự báo có mưa, tuyệt đối không được sử dụng các loại phân bón để bón cho cây.

- Thu hoạch nhanh những diện tích nhãn và các loại cây ăn quả đã chín hoặc sắp chín để hạn chế tối đa bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thuận.

- Theo dõi thường xuyên vườn cây, khi cây hồi phục hẳn mới tiến hành các biện pháp chăm bón, sử dụng các loại phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.

4. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, tổng hợp diện tích thiệt hại, mức độ thiệt hại theo quy định và hướng dẫn tại Nghị định 02/NĐ-CP, ngày 09/01/2017 của Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ người dân theo quy định.

5. Yêu cầu phòng Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở, hướng dẫn người dân gieo, cấy, chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại cây.

Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan