KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/11/2023 - Lượt xem: 275
Thắp lên ngọn lửa chiến đấu của người làm báo trong chống tham nhũng

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, cống hiến của những người làm báo về một hành trình không ngừng nghỉ, "không vùng cấm” trong chống tham nhũng.


Quang cảnh Tọa đàm về Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 tháng 6/2023. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 sẽ được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào lúc 20 giờ 10 ngày 5/11 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội).
Đây là một trong những sự kiện đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam-Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023).
Kể từ khi chính thức phát động vào năm 2017, Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nay là “Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của phóng viên các cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ một trong những ý nghĩa lớn mà Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được, đó là công tác tổ chức Giải luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, động viên rất lớn từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Điều đó được thể hiện thông qua sự tham dự, trao giải và phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tại mỗi Lễ tổng kết và trao giải.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay trải qua 3 mùa giải, sự phối hợp trong công tác tổ chức giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam ngày càng chặt chẽ, bài bản, khoa học, đạt hiệu quả từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận tác phẩm tham dự đến tổ chức trao Giải thưởng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, độc giả và các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong cả nước.
Giải đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí. Qua các mùa tổ chức, số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm tham dự đều tăng lên. Nếu như Giải lần thứ nhất có 1.005 tác phẩm gửi tham dự của gần 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đến lần thứ ba, số tác phẩm gửi tham dự Giải đã tăng lên 1.181 tác phẩm của các nhà báo, phóng viên thuộc hơn 115 cơ quan báo chí trong cả nước. Chất lượng Giải ngày càng được nâng cao.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến của những người làm báo. Ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng, vun đắp trong quá trình làm nghề và mỗi dịp trao Giải, những người làm báo luôn cảm thấy tự hào về một hành trình không ngừng nghỉ, "không vùng cấm” của mình trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) là tác giả đoạt Giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba với loạt bài: "Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam."
Đối với người theo đuổi nghề báo lâu năm như anh, Giải thưởng là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với cá nhân cũng như các đồng nghiệp trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm đối diện với cái sai và đi tới tận cùng của sự thật.
Theo Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thước đo phẩm cách của một nhà báo là người phóng viên, tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội, không phải viết để khoe câu chữ hay văn phong bóng bẩy trên mạng xã hội mà cao hơn hết là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống.
“Giá trị của giải thưởng đối với cộng đồng và những người làm báo rất quan trọng. Bởi bên cạnh đó còn là bản lĩnh của Ban biên tập trước những tuyến bài điều tra,” Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
Lấy "xây để chống", lấy “tích cực dẹp tiêu cực”
Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021, đã thu hút hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia với 1.181 tác phẩm dự thi, có 45 tác phẩm báo chí của 4 thể loại đoạt Giải. Trong số đó, lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt Giải Đặc biệt, vinh dự được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao giải thưởng.
Trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, những kết quả đạt được qua mùa giải lần thứ ba được đánh giá là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi tác phẩm dự thi, nhất là các tác phẩm đoạt Giải, đều là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phát biểu tại Lễ trao Giải lần thứ ba, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định Giải đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Nhiều nhà báo không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Ghi nhận, biểu dương Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công qua ba mùa giải, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm bởi hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao hơn; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong.
Xuất phát từ thực tế đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm lấy “xây để chống,”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực.”
Song song với việc kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, qua hoạt động của báo chí cần chú ý phát hiện những quy định hiện hành còn bất cập, có kẽ hở dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ khi mới manh nha.
Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Tổ chức Giải cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi có yêu cầu để các nhà báo yên tâm tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm có giá trị vững niềm tin “chính nghĩa thắng gian tà.”
Với việc triển khai và tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, Ban tổ chức tin tưởng và hy vọng Giải sẽ thu hút được ngày càng đông đảo các nhà báo tham gia, trở thành một giải báo chí chuyên đề đặc biệt.
Từ đó, sẽ thêm nhiều tác phẩm báo chí giá trị, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan