KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 16/07/2024 - Lượt xem: 397
Thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên khẩn trương cho thu hoạch chính vụ

Tỉnh Hưng Yên hiện khoảng 5.000ha nhãn; trong đó, có khoảng 1.700ha sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% diện tích nhãn toàn tỉnh.

Thành viên của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chăm sóc những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Chỉ khoảng 1 tháng nữa, thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên sẽ vào mùa thu hoạch chính vụ. Hiện các nhà vườn đang khẩn trương thực hiện những công đoạn cuối cùng để cung ứng ra thị trường những chùm nhãn chín mọng, ngọt thanh.

Những ngày này, các thành viên trong Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên gần như ăn ngủ tại vườn, bởi còn khoảng 20 ngày nữa trên 30ha nhãn của hợp tác xã sẽ được thu hoạch.

Dự kiến mùa nhãn năm nay, hợp tác xã sẽ thu hoạch khoảng 150 tấn quả.

Giám đốc Hợp tác xã Trần Văn Mý chia sẻ trước đây, vùng bãi bồi ven sông người dân chủ yếu trồng chuối và cây rau màu ngắn ngày. Do sản xuất manh mún, chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên nên năng suất hiệu quả không cao.

Nhận thấy việc trồng nhãn mang lại hiệu quả nên năm 2017, ông cùng 17 hộ dân trong thôn đã liên kết thành lập nên Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng.

Ông Mý cho biết với phương châm "chất lượng sẽ làm nên thương hiệu" nên ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn trên diện tích 30 ha theo tiêu chuẩn VietGap.

Đáng chú ý, năm 2020 sản phẩm nhãn tươi của hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được xuất khẩu sang thị trường EU, đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong hợp tác xã trong việc giữ được "thương hiệu" cho quả nhãn tươi Quyết Thắng.

Các thành viên của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chăm sóc những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Tiếng lành đồn xa, những năm trở lại đây, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng đã trở thành "địa chỉ" quen thuộc của nhiều đoàn khách mỗi mùa nhãn chín.

Ông Mý cho rằng để thu hút khách đến tham quan trải nghiệm vườn nhãn, từ đầu tháng 7 hàng năm, Hợp tác xã công khai số điện thoại trên mạng internet, đồng thời tăng cường quảng bá các thông tin, hình ảnh về mùa nhãn trên các nền tảng xã hội. Dù chưa đến mùa nhãn nhưng đã có rất đông đoàn thành đặt lịch trước đến tham quan, trải nghiệm.

"Những năm gần đây, tour trải nghiệm 0 đồng của Hợp tác xã đã trở thành thương hiệu và được rất nhiều đoàn khách đặt lịch để tới tham quan trải nghiệm. Đến với vườn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn miễn phí. Nếu có nhu cầu đặt hàng chúng tôi sẽ cắt nhãn và cân ngay tại vườn. Mục đích chính của chúng tôi là quảng bá thương hiệu, để nhãn lồng Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước," ông Mý nói.

Cách xã Tân Hưng không xa, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên được mệnh danh là "thủ phủ" nhãn của Hưng Yên, bởi nơi đây tập trung nhiều các giống nhãn đặc sản của mảnh đất Phố Hiến như nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn quả vuông, nhãn siêu ngọt, nhãn hương chi...

Gia đình ông Trịnh Văn Cương ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam thành phố Hưng Yên là một trong số ít hộ còn giữ được giống nhãn đường phèn quả vuông, đây là giống nhãn quý được gia đình ông canh tác từ nhiều năm nay.

Ông Cương cho biết hiện gia đình ông canh tác gần 4.000m2 giống nhãn đường phèn quả vuông. Mặc dù, năm nay thời tiết khắc nghiệt nhưng giống nhãn này vẫn cho sai quả, chất lượng thơm ngon. Dù chưa đến thời kỳ thu hoạch nhưng các thương lái đã đến tận vườn đặt mua.

Những năm gần đây, nhiều nhà vườn trồng nhãn tại Hưng Yên đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Điều này này đã tạo ra sản phẩm nhãn sạch, an toàn đáp ứng các quy chuẩn trong tiêu dùng và xuất khẩu.

Vườn nhãn hơn 200 gốc của ông Bùi Xuân Sử ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là một trong những mô hình đầu tiên ở thủ phủ nhãn lồng được chăm sóc theo quy trình hữu cơ.

Từ năm 2019 đến nay, ông Sử đã mạnh dạn chuyển đổi dần từ canh tác VietGAP sang hướng hữu cơ với mong muốn để cây trồng thích nghi dần với môi trường, giảm thiểu phân hoá học và tăng dần phân hữu cơ.

Ông Sử chia sẻ đây là năm thứ ba gia đình trồng nhãn theo hướng hữu cơ. Việc chăm cây nhãn theo phương pháp hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng đại trà. Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây.

"Nhãn trồng theo hướng hữu cơ nói không với thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng chế phẩm nano bạc, được pha cùng hỗn hợp xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân cây nhãn. Nhãn sạch là yếu tố quan trọng giúp vườn của gia đình tôi luôn thu hút được nhiều người đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức nhãn ngay tại vườn," ông Sử nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Hưng Trần Thị Thu Hiền, những năm trở lại đây, khi nhãn bắt vào vụ thu hoạch thì quả nhãn Hưng Yên luôn được khách hàng "đón đợi," không chỉ bởi ở nơi đây có những loại nhãn quý, mang hương vị đặc trưng mà chính tư duy canh tác theo hướng an toàn của của các nhà vườn đã đưa quả nhãn Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.

Chính vì thế, khi đặc sản vải trứng Hưng Yên được thu hoạch xong, công ty đã chủ động làm việc với các nhà vườn để đặt mua nhãn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sản xuất nhãn an toàn vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của người tiêu dùng, do vậy các nhà vườn trồng nhãn ở Hưng Yên cần tiếp tục mở rộng diện tích nhãn theo quy trình VietGAP, theo phương pháp hữu cơ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho hay tỉnh Hưng Yên hiện khoảng 5.000ha nhãn; trong đó có khoảng 1.700ha sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% diện tích nhãn toàn tỉnh.

Nhiều sản phẩm nhãn, long nhãn của các hợp tác xã, tổ hợp tác được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.

Để nâng cao chất lượng nông sản nói chung, nhãn quả tươi nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ.

Riêng tại thành phố Hưng Yên có hơn 500ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó có khoảng gần 10ha nhãn ở thành phố Hưng Yên đã nâng cấp từ quy trình VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh đó, thành phố Hưng Yên cũng có hơn 10 điểm trồng nhãn đã được cấp mã số vùng trồng OTAS./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan