KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 16/09/2024 - Lượt xem: 373
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 15/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết nối trực tuyến tới điểm cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và điểm cầu 26 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Trước khi bắt đầu, Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão, lũ gây ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Bão Yagi là cơn bão lịch sử với cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều… gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản. Với tinh thần “tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hội nghị điểm lại tình hình, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất nhiệm vụ giải pháp để thực hiện, đạt mục tiêu: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Theo các báo cáo tại hội nghị, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6 giờ ngày 15/9, đã có 348 người chết và mất tích; khoảng 1,9 nghìn người bị thương. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 232 nghìn căn nhà bị hư hỏng; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; hơn 190,3 nghìn héc-ta lúa, hơn 48,7 nghìn héc-ta hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hơn 31,7 nghìn héc-ta cây ăn quả bị hư hại; hơn 3,2 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21,7 nghìn con gia súc và hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết…
Tại Hưng Yên, để ứng phó với bão, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và Nhân dân tham gia công tác phòng, chống, ứng phó, cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Trong đó, đã di dời được hơn 6,3 nghìn người dân ra khỏi vùng nguy cơ mất an toàn; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động trên 8 nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hàng trăm phương tiện, dụng cụ tham gia ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của bão số 3… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm gần 3,7 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; thiệt hại hơn 11,3 nghìn héc-ta lúa, hơn 2,7 nghìn héc-ta cây rau màu, gần 8,9 nghìn héc-ta cây ăn quả, cây lâu năm và cây trồng khác…
Để ổn định đời sống của người dân và ổn định sản xuất của doanh nghiệp sau mưa bão, lũ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tiếp tục chỉ đạo toàn diện công tác ứng phó với mưa, ngập úng, lũ và khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ. 
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão; thảo luận các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, lũ; khôi phục sản xuất, kinh doanh… Trong đó, tập trung vào việc khắc phục các sự cố về đê điều; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất sau bão, lũ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phối hợp với các địa phương tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, cũng như ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống bão, lũ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thời tiết để đưa ra các cảnh báo, giải pháp kịp thời, hiệu quả. Các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống mưa, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động cả hệ thống chính trị trong việc ứng phó với bão, lũ; huy động sức dân trong công tác ứng phó với bão, lũ… Các tỉnh, thành phố tập trung tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình hạ tầng; khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, hồ chứa, công trình hạ tầng bị hư hỏng; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, trường hợp vượt quá khả năng, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan