Ngày 3/12, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

 Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sân bay lớn nhất của nước ta từ trước đến nay, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

 

Theo các báo cáo tại cuộc họp, từ tháng 9/2024 (lần gần nhất Thủ tướng Chính phủ đến thăm công trình) đến nay, chỉ sau hơn 2 tháng, nhiều hạng mục, công trình đạt khối lượng thi công lớn. Các cơ quan đã báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án bổ sung thêm đường cất hạ cánh thứ 2; cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2026; cho phép Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh theo thẩm quyền.

Dự án thành phần 2 - đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành phần bê tông cốt thép, đang thi công phần mở rộng tháp từ tầng 15. Dự án thành phần 3 - nhà ga hành khách đã hoàn thành 100% toàn bộ bê tông cốt thép công trình, đang triển khai công tác hoàn thiện (gia công mái khung chính đạt 56%, lắp đặt đạt 35%). Đường cất hạ cánh đã thi công lớp cấp phối đá dăm và bê tông xi măng lớp lót đạt 71,44%, bê tông xi măng phần mặt đạt 40,32%... vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng.

Như vậy, các công trình, hạng mục, dự án thành phần cơ bản triển khai bảo đảm tiến độ, có hạng mục nhanh hơn yêu cầu, nhất là các công trình do Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư (nhà ga hành khách; đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ). Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2025 (sớm hơn thời gian Quốc hội cho phép) là một nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi các cấp, bộ ngành, các chủ đầu tư, nhà thầu hết sức nỗ lực để rút ngắn tiến độ các gói thầu.

Thủ tướng tặng quà đội ngũ công nhân, kỹ sư đang thi công dự án sân bay Long Thành (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 

Về kết nối giao thông, Bộ GTVT cho biết trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành dự kiến tiếp đón 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trong đó 70-80% là các chuyến bay quốc tế. Theo quy hoạch, giao thông kết nối đi/đến sân bay Long Thành bằng 2 phương thức là đường bộ và đường sắt, bao gồm 5 tuyến đường bộ và 3 truyến đường sắt.

Các tuyến giao thông đường bộ, gồm: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức - Long Thành (3 dự án này đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong 2025-2026), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành (hiện đang khai thác 4 làn xe cao tốc, dự kiến mở rộng lên 8-10 làn xe), Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh (đã trình chủ trương đầu tư).

Về đường sắt, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi từ ga Thủ Thiêm tới Long Thành (Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2035); tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dự kiến trình các cấp có thẩm quyền trong năm 2025; đường sắt đô thị (TP Hồ Chí Minh đang trình cấp có thẩm quyền đề án huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến này).

Cũng tại cuộc làm việc, đại diện các cơ quan đã trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc cụ thể liên quan trong triển khai các gói thầu của sân bay Long Thành và các dự án giao thông kết nối.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tiến độ triển khai dự án đạt nhiều kết quả rất tích cực. Tổng thể toàn dự án đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, hình hài công trình đã ngày càng rõ nét; nhiều gói thầu vượt tiến độ so với kế hoạch, nhất là dự án thành phần 2 và 3, trên công trường huy động hơn 6.000 nhân lực và 2.200 thiết bị thi công.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn hơn 1% (riêng phần mặt bằng giao thông kết nối đã hoàn thành). Dự án thành phần 4 (các công trình khác như ga hàng hóa) đang triển khai chậm, Bộ GTVT đang lựa chọn nhà đầu tư. Dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước), Bộ NN&PTNT chưa bố trí được vốn, chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư hạng mục trụ sở cơ quan kiểm dịch động, thực vật.

 Thủ tướng nghe báo cáo về tiến độ thi công cao tốc Biên Hòa-Đồng Nai - (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thời gian tới, với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm", thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời là những yếu tố thành công, Thủ tướng yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác trước 28/2/2026, lấy lại tiến độ bị chậm, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Cho rằng việc triển khai công việc tổng thể trên công trường còn có những điểm rời rạc, chưa nhịp nhàng, Thủ tướng yêu cầu các chủ thể có liên quan xây dựng lại đường găng tiến độ, làm theo hình thức cuốn chiếu, tổ chức công việc chặt chẽ hơn, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, huy động thêm nhân lực, trang thiết bị, huy động tổng lực các nhà thầu chính, các nhà thầu phụ, các lực lượng công an, quân đội tham gia triển khai các phần việc có thể làm.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, làm việc hằng tháng để kiểm tra, đôn đốc triển khai công trình. Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh và các cơ quan phối hợp triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là triển khai dự án thành phần 4 bảo đảm hoàn thành đồng bộ với dự án thành phần 3 và các dự án thành phần khác.

Về việc triển khai đường cất hạ cánh thứ 2, Bộ GTVT căn cứ nghị quyết của Quốc hội, triển khai các thủ tục cần thiết, khẩn trương xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai đường cất hạ cánh thứ 2, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với dự án thành phần 3 và các dự án thành phần khác.

Song song với tiến độ, phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tận dụng nhân lực, máy móc có sẵn trên công trường.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, làm việc trên tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", xuyên lễ, xuyên thứ 7, chủ nhật, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; nghiên cứu, phát huy tinh thần "thần tốc", các kinh nghiệm quý trong triển khai xây dựng đường đây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Thủ tướng chỉ rõ, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT xác định rõ trách nhiệm, kiểm điểm và xử lý người có trách nhiệm trong thực hiện các công việc bị chậm tại dự án thành phần 4 và thành phần 1, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12.

Về các công trình hạ tầng kết nối giao thông, Thủ tướng cơ bản đồng tình với đề xuất của các cơ quan, yêu cầu bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu phương án giao thông kết nối khác như metro, hoặc tàu điện ngầm, hoặc đường sắt tốc độ cao kết nối các sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, bảo đảm nhanh nhất, hiệu quả nhất, bảo đảm quý I/2025 phải hoàn thành hướng tuyến, khả năng đầu tư… 

Liên quan nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo nội dung này, báo cáo lại Thủ tướng hướng giải quyết trước ngày 15/12/2024; hoàn thành trong tháng 12 các hồ sơ trình Quốc hội.

Thủ tướng đồng ý chủ trương nâng cấp tuyến TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây lên 10 làn xe; cũng như phương án xây dựng hầm vượt sông thay thế phương án xây cầu tại khu vực Cát Lái kết nối giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai triển khai quy hoạch phát triển thành phố Long Thành là thành phố sân bay; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, tránh đùn đẩy, với các những vấn đề vượt thẩm quyền và cần thêm các cơ chế, chính sách thì kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/