KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo lời bác
Đăng ngày: 16/07/2024 - Lượt xem: 2217
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một hệ thống những luận điểm về mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay; đòi hỏi phải tiếp tục vận dụng sáng tạo, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ 2, năm 1956. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ HUẤN LUYỆN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh luôn là yêu cầu, nhiệm vụ trung tâm, then chốt trong xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Điều đó xuất phát từ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ ràng, đầy đủ về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; bởi lẽ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền nhà nước phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người dạy, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1) và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Người cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền nhà nước các cấp: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(3). Bất cứ đường lối, chính sách gì, nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là “có lãi”; ngược lại, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là “lỗ vốn”.

Đội ngũ cán bộ, công chức là những mắt khâu trung gian, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành”(4).

Để làm công việc được Chính phủ, đoàn thể giao phó đạt chất lượng, hiệu quả cao, Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải có đủ “đức”, đủ “tài”. “Đức” và “tài” là những phẩm chất không thể thiếu ở mỗi người cán bộ, công chức. Ở đây, “đức” là những phẩm chất đạo đức cách mạng cần phải có ở người cán bộ cách mạng; “tài” là toàn bộ những năng lực, phẩm chất thuộc về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công tác của mỗi cán bộ, công chức.

Về đức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức phải hội đủ năm đức tính tốt: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Mỗi cán bộ, công chức phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mối quan hệ “với tự mình”. Người coi cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương.

Về tài, tài của người cán bộ, công chức thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức phải có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính; có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm nhất quán của Người là chú trọng chất trí tuệ và tính chuyên môn trong tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước thông qua chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Giữa đức và tài có mối quan hệ mật thiết với nhau, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp, đi đôi với nhau, không thể có mặt này, thiếu mặt kia; có đức mà không có tài thì chỉ là người vô dụng; còn có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng khó. Người so sánh: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”(11).

Phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, công chức không phải là những thứ tự dưng có, mà chỉ có thể là kết quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và quá trình tự thân mỗi cán bộ, công chức không ngừng khổ công, nỗ lực học tập, rèn luyện mới có được. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(12). Điều đó cho thấy Người rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - thuật ngữ Người thường dùng là “huấn luyện cán bộ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm thật tốt công tác huấn luyện cán bộ, phải coi huấn luyện cán bộ là công việc gốc, hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Người chỉ rõ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(13); bởi vậy, “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ”(14). Người cho rằng, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học. Cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, cán bộ ở địa phương và cơ sở... Huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể. Huấn luyện cán bộ phải được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp xác định là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài, phải kiên trì và bền bỉ thì mới có kết quả tốt; bởi vì: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt... cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được”(15).

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thường được cấu thành từ các yếu tố cụ thể, gồm mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải biết “Huấn luyện ai?... Ai huấn luyện?... Huấn luyện gì?... Huấn luyện thế nào?”(16). Mỗi thành tố nêu trên đều được Người đề cập một cách cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Về mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, quan trọng nhất là phải xác định động cơ đào tạo, bồi dưỡng đúng đắn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức phải nhận thức rõ rằng, đào tạo, bồi dưỡng không phải để chạy theo bằng cấp, mà mục đích cao cả của việc học là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(17). Bên cạnh đó, “Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành”(18). Trong thư gửi giáo sư và sinh viên Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa, Người nhắc nhở: “… giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân”(19). Chỉ khi nào cán bộ, công chức xác định được động cơ, mục đích đúng đắn thì việc học tập mới đạt tới yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Về chủ thể của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng - những người trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của thầy, cô giáo, các chuyên gia tham gia công tác giáo dục, huấn luyện cán bộ. Vai trò của người thầy được Bác Hồ nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá”(20). Bác cũng rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện cán bộ; đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của các cán bộ lãnh đạo trong tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người chỉ rõ: “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy”(21). Vì vậy, người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(22) và phải thường xuyên trau dồi kiến thức, “phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”(23).

Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ phải cụ thể, thiết thực, phải hàm chứa cả rèn đức, luyện tài, phải chú trọng trang bị cả kiến thức văn hóa, lý luận và thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, công chức là lực lượng vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân; do đó, họ cần phải được giáo dục, trang bị tri thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Người lưu ý rằng, cán bộ, công chức phải có tinh thần ham hiểu biết các tri thức khoa học một cách toàn diện: “Các cháu phải cố gắng học tập kỹ thuật, văn hoá, chính trị... Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”(24).

Học chính trị là học chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng để hiểu rõ nhiệm vụ cách mạng; đồng thời, xây dựng cho bản thân mình phương pháp nhận thức đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của cuộc sống, để từ đó vững tin vào lý tưởng cách mạng. Mặt khác, cần phải học tập khoa học - kỹ thuật, bởi chúng ta đang sống trong một thời đại khoa học và công nghệ, loài người đang vận dụng những thành tựu kỳ diệu của khoa học - kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất và cải tạo nhanh chóng bộ mặt của thế giới.

Về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tổ chức và trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ cho đất nước nên nắm vững và vận dụng thuần thục các quy luật tư duy và phương pháp giảng dạy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người đã đề ra hệ thống các nguyên lý, phương châm, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chẳng hạn, “Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng”(25). Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn học tập với rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong, phương pháp công tác; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thực chất, chú trọng chất lượng: “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều”(26). Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chú trọng thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành: “Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế”(27); khi truyền đạt lý luận, kinh nghiệm công tác phải gắn với liên hệ tình hình cụ thể để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu”(28); đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải phù hợp với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phương pháp tự học. Để làm giàu vốn tri thức, hiểu biết của mình, cán bộ, công chức cần có tinh thần tìm tòi, sáng tạo trong học tập, trong cuộc sống, nghĩa là cán bộ, công chức phải chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng với lý thuyết không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn. Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”(29). Đặc biệt, Người nhấn mạnh việc tự giác học tập; tuy nhiên, Người cũng yêu cầu “không nên học gạo, không nên học vẹt” mà “học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học và hành phải kết hợp với nhau”(30). Người giảng giải: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”(31).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải thường xuyên không ngừng học tập, nâng cao trình độ, phải coi việc học tập là công việc suốt đời. Người chỉ rõ: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”(32). Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức cần phải xác định: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(33).

Khi người cán bộ, công chức đã có cả phẩm chất và năng lực, có đức và có tài để gánh vác trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu đội ngũ này phải thực hành phương pháp làm việc khoa học, tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, sâu sát dân, gần dân, học hỏi dân để hoàn thiện mình. Theo Người, muốn học thành công phải có kế hoạch cụ thể, khoa học, phải tự nguyện, tự giác, tích cực, chủ động và kiên trì bền bỉ, quyết tâm thực hiện kế hoạch đến cùng; phải triệt để tận dụng mọi điều kiện, phương tiện, hình thức để học. Học đến đâu phải ra sức luyện tập thực hành đến đó, học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Học mà không đi đôi với hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Trong thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân”(34).

Có thể khẳng định rằng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ đã hàm chứa khá đầy đủ các nguyên lý, nguyên tắc, các yếu tố cấu thành hoạt động giáo dục theo lý luận giáo dục học hiện đại. Điều đó cho thấy quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có giá trị lý luận sâu sắc và giá trị thực tiễn to lớn, có thể vận dụng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng ở nước ta hiện nay.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng Học viện Hành chính quốc gia nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (29/5/1959 - 29/5/2024). (Nguồn: vietnamnet.vn)

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀO THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Trong giai đoạn hiện nay, “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”(35) được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng chủ công thực thi nhiệm vụ nêu trên chỉ có thể là đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Cán bộ hành chính gồm những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, ở huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, như chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, bí thư, phó bí thư đảng ủy; người đứng đầu trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn, như chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc, bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, chủ tịch hội nông dân và chủ tịch hội cựu chiến binh.

Công chức hành chính gồm những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc được giao giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, như cán sự, chuyên viên làm việc trong các sở thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các phòng thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; những người được tuyển dụng, được giao giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ủy ban nhân dân cấp xã, gồm có các chức danh: Chỉ huy trưởng quân sự, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội.

Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng hiện nay là phải: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước...; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(36). Một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả để hiện thực hóa yêu cầu nói trên là phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính; hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là hoạt động có định hướng, có tổ chức, thông qua các phương pháp và bằng các hình thức phù hợp, hướng tới cung cấp, trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính những tri thức, hiểu biết về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nói chung, những kiến thức pháp luật cụ thể, cần thiết, liên quan đến hoạt động công vụ nói riêng; qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Sự vận dụng giá trị quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay thể hiện trên những điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, phải xác định cụ thể, rõ ràng mục đích đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Mục đích là cái mà cả quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải hướng tới và là kết quả cuối cùng mà công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải đạt được. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1/9/2017 của Chính phủ về "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức" quy định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Mục đích của đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là cung cấp, trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính những phẩm chất đạo đức cách mạng, tri thức, hiểu biết về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nói chung, những kiến thức pháp luật cụ thể, cần thiết, liên quan đến hoạt động công vụ nói riêng; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Nếu như trên bình diện chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; thì cụ thể hóa lời dạy của Người vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính trong giai đoạn hiện nay, mục đích đó chính là: Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Thứ hai, phải nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các chủ thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, trước hết, phụ thuộc vào năng lực đào tạo, bồi dưỡng, nhận thức về chức năng, nhiệm vụ và ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể là các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính. Các cơ sở giáo dục cần xúc tiến mạnh mẽ sự chuẩn bị về cơ sở vật chất (giảng đường, thư viện, phòng đọc, trang thiết bị công nghệ thông tin, kết nối mạng internet...), các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuẩn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính; xây dựng được đội ngũ giảng viên, chuyên gia có chất lượng chuyên môn cao, có kỹ năng sư phạm và tâm huyết; sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia có uy tín, chất lượng, trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, có tầm chiến lược của các cơ sở giáo dục; với tinh thần “không cốt nhiều, chỉ cốt tinh”, để thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”.

Nhân viên Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân và doanh nghiệp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. (Ảnh: Tư liệu)

Thứ ba, đối với đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, cần chuẩn bị năng lực nhận thức, các điều kiện vật chất, tinh thần khác để sẵn sàng lĩnh hội kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tri thức pháp luật cần thiết cho hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công vụ.

Chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính không chỉ phụ thuộc vào chủ thể, mà còn phụ thuộc phần lớn vào chính đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Các nhà giáo, chuyên gia dù có giỏi đến mấy, đáp ứng được mọi yêu cầu, nhưng nếu không nhận được sự hợp tác chủ động, tích cực từ phía đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, thì không thể có được chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng như mong muốn. Mỗi cán bộ, công chức hành chính cần phải chủ động, tự giác, tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, xuất phát từ nhu cầu lĩnh hội nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức hành chính cần thường xuyên cập nhật thông tin về lĩnh vực chuyên môn của bản thân, chủ động tìm hiểu các chính sách, văn bản pháp luật mới, nhất là những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn đang đảm trách; nghĩa là phải phát huy tinh thần tự học như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Việc học phải lấy tự học làm cốt. Một mặt, nếu một cán bộ, công chức hành chính, dù đã tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân, mà dừng lại, tự hài lòng, thỏa mãn với tấm bằng đại học của mình thì sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn đời sống. Mặt khác, mỗi cán bộ, công chức hành chính cũng cần thường xuyên rèn luyện các kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức chuyên môn, hiểu biết pháp luật vào quá trình thực thi công vụ, giải quyết nhiệm vụ được giao.

Thư tư, tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Ngoài những nội dung có tính chất chuyên biệt, chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính, còn cần phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng các kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng nội dung quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính thuộc các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, nhu cầu và công tác quy hoạch cán bộ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan hữu quan.

Các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính cần tập trung xây dựng các bộ giáo trình, tài liệu tham khảo riêng cho từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính; bảo đảm độ sâu cần thiết về kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, các kỹ năng nghiệp vụ, những kiến thức pháp luật phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Khi thiết kế nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần căn cứ vào nhu cầu thông tin, kiến thức của từng đối tượng cán bộ, công chức hành chính; bổ sung, cập nhật kịp thời những vấn đề mới về chuyên môn, nghiệp vụ, các văn bản, chính sách, pháp luật mới vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Quá trình triển khai nội dung các môn học, học phần phải gắn lý luận với thực tiễn hành chính công vụ sinh động, tránh lý luận suông, khô khan, giáo điều, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Nội dung bồi dưỡng cũng cấn chú trọng trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính các kiến thức về phương pháp, kỹ năng thực hành công vụ, về áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn công vụ.

Thứ năm, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính.

Đây là vấn đề cần được các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các nhà giáo, chuyên gia đặc biệt quan tâm. Mặc dù trong những năm qua, các chủ thể đào tạo, bồi dưỡng ở nước ta đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; song, kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước và xã hội. Để tạo ra bước đột phá trong việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở giáo dục cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm hướng trọng tâm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng vào đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, tạo động lực cho họ đầu tư nhiều thời gian cho việc tự học. Muốn vậy, trước hết, cần kết hợp hài hòa giữa phương pháp thuyết trình truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực, như: nêu vấn đề, kết hợp giảng lý thuyết với việc nêu ra các tình huống và bài tập trắc nghiệm... Đội ngũ thầy, cô giáo hạn chế sử dụng phương pháp thuyết trình theo lối độc thoại một chiều; tăng cường các phương pháp đối thoại, thảo luận nhóm theo các chủ đề chuyên môn, phương pháp nêu tình huống, sự kiện thực tế để lôi cuốn cán bộ, công chức hành chính tích cực tranh luận, thảo luận, tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất... Chủ động chuyển mạnh từ “lấy người dạy làm trung tâm” sang phương pháp “lấy người học làm trung tâm”. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, mỗi giảng viên, chuyên gia cần ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần xây dựng hệ thống thư viện điện tử, tạo cho cán bộ, công chức hành chính khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại phục vụ hiệu quả cho việc học tập.

Các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính cần triển khai tổng kết, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của các phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính; từ đó, tìm ra các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cần có sự phân loại nội dung đào tạo, bồi dưỡng gắn với đặc thù của từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính để sử dụng phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tránh sự lãng phí, tốn kém không cần thiết về thời gian, công sức, tiền của.

Tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng rất cụ thể, thiết thực và vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay. Vận dụng giá trị quan điểm của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải chú trọng thực hiện kỹ lưỡng từng mắt khâu, yếu tố của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, từ việc xác định mục đích, chủ thể, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cho tới xây dựng nội dung, lựa chọn phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung... như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

Nguồn: https://tuyengiao.vn

___________________ 

(1) (2) (3) (5) (7) (13) (14) (15) (21) (31) (32) (33) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr. 309, 280, 68, 291-292, 112, 309, 313, 322, 313, 275, 275, 684 .

(4) (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.55, 400.

(6) (8) (16) (17) (18) (22) (23) (25) (26) (27) (28) (34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.122, 131, 356-357, 208, 360-361, 356, 356, 359, 357, 358, 358, 248.

(9) (10) (12) (29) (30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.400, 603, 612, 98-99, 98-99.

(11) (20) (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 346, 345, 384.

(35) (36) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.176, 178-179.

 

Tin liên quan