KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 04/12/2024 - Lượt xem: 40
Việt Nam trước thách thức thuế quan mới của Mỹ: “Tìm an trong nguy”

Khi Mỹ đang tìm cách thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội "lấp chỗ trống," sản xuất những mặt hàng mà Mỹ đang thiếu.

Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã từng nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế từ 10-20% đối với hàng nhập khẩu của tất cả các nước và lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng “người đàn ông thuế quan” sẽ sử dụng các quyền hành pháp, bao gồm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), cho phép Tổng thống Mỹ ứng phó với các trường hợp khẩn cấp thông qua các biện pháp kinh tế, để hành động ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Các biện pháp thuế quan tiềm năng của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ tác động rất lớn đến thương mại toàn cầu và nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang chuẩn bị phương án đối phó cho tình huống xấu nhất.

Chuyên gia Larry Summers, Giáo sư đại học Harvard và là cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cảnh báo chính sách thương mại của ông Trump, nếu được thực thi, có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại, gây tổn hại cho chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí sản xuất toàn cầu.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN ngày 13/11, Giáo sư Summers nói: "Nếu Tổng thống đắc cử Trump thực hiện những gì đã nói trong chiến dịch tranh cử, sẽ có một cú sốc lạm phát lớn hơn nhiều so với năm 2021."

Phân tích từ Oxford Economics chỉ ra rằng việc tăng thuế quan và giảm nhập cư theo như dự định của ông Trump có thể đẩy tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng cao hơn so với dự đoán. Lạm phát này có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD trên trường quốc tế, tác động đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ và do đó làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump sẽ chứng kiến sự căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề về thương mại và công nghệ. Động thái tăng thuế quan áp dụng cho mọi loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế cả các khoản đầu tư đến từ quốc gia châu Á này sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với cái giá phải trả hứa hẹn là “rất đắt”.

Đối với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính sách của ông Trump được dự báo sẽ gây xáo trộn trong các nền kinh tế phụ thuộc vào cả thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Việt Nam không “đứng ngoài cuộc”

Việt Nam là một trong số các quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 1-10/2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhất phải kể đến thủy sản đạt 1,5 tỷ USD, sản phẩm từ chất dẻo đạt 2,4 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 7,3 tỷ USD, hàng dệt may đạt 13,3 tỷ USD, giày dép 6,8 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 19,1 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện 8,7 tỷ USD, máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt gần 18 tỷ USD,…

Nếu Tổng thống đắc cử Trump theo đuổi chính sách bảo hộ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ áp thuế quan cao hơn đối với các sản phẩm từ Việt Nam để giảm thâm hụt thương mại quốc gia. Điều này tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và tăng chi phí sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam.

Nhưng bất chấp triển vọng không chắc chắn từ chính trường Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ vẫn là khu vực ổn định cho tăng trưởng kinh tế và các cơ hội thương mại mạnh mẽ.

Thêm các cơ hội mới

Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các dòng đầu tư mới, khi các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách đa dạng hóa sản xuất để phòng tránh rủi ro địa chính trị.

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính quyền của ông Trump thường ưu tiên các thỏa thuận song phương. Do đó, Việt Nam có thể khai thác cơ hội đàm phán để gia tăng xuất khẩu mặt hàng có ưu thế đồng thời nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào có tính chất bổ sung từ Mỹ (như gỗ, sắt thép…).

Khi Mỹ đang tìm cách thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội "lấp chỗ trống," sản xuất những mặt hàng mà Mỹ đang thiếu và khó có thể đảm bảo sản xuất trong nước.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia, Việt Nam cũng cần quan tâm tới vấn đề mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Mỹ để giảm bớt thâm hụt thương mại hiện có.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dẫn thông tin trên trang điện tử của Bộ Thương mại Mỹ cho biết ngành sản xuất của Mỹ đã xác định được một loạt sản phẩm, bao gồm nông sản, thực phẩm chế biến và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu đáng kể nếu thuế quan của Việt Nam có thể được giảm thêm.

Bên cạnh vấn đề thuế, Bộ Thương mại Mỹ cũng đề cập đến các rào cản kỹ thuật của Việt Nam, kiến nghị về việc xem xét lại để tạo điều kiện nhập khẩu nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại với Mỹ.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng có ý kiến về việc mở cửa cho một số loại nông sản của nước này vào Việt Nam.

Chính sách "America First" chắc chắn sẽ tạo ra một số ảnh hưởng nhất định, nhưng có thể không quá tiêu cực.

Dựa trên nền tảng quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam 30 năm qua và cơ cấu hàng hóa giữa hai nước có sự bổ sung lẫn nhau, có thể tin rằng những thay đổi trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump sẽ không làm chệch hướng thương mại giữa hai nước trong thời gian tới./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan