KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 18/11/2024 - Lượt xem: 112
Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Trọng trách khơi thông “điểm nghẽn”

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thay đổi tư duy lập pháp trong kỷ nguyên mới của dân tộc, hạt nhân của Quốc hội là các đại biểu Quốc hội cần phải được nâng cao chất lượng, đủ phẩm chất, năng lực...

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Với vị trí trung tâm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cùng thực tế và những nhiệm vụ đặt ra trong công tác lập pháp, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn,” việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là đổi mới tư duy làm luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng là rất cấp thiết.

Những chuyển động bước đầu

Xác định tầm quan trọng, “trọng trách lớn” của Quốc hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển đất nước, tư duy xây dựng pháp luật đã thể hiện rõ ngày từ đầu nhiệm kỳ tại Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết luận 19-KL/TW đã khẳng định tinh thần không xây dựng luật khung, luật ống.

Tinh thần làm luật này tiếp tục được thể hiện và rõ nét hơn tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong các thảo luận xây dựng pháp luật ở Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” thể chế hiện nay, từ đó có những đề xuất chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đơn cử như việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, có hơn 3000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đã cho thấy thủ tục hành chính rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân, doanh nghiệp. Con số này cũng cho thấy phần nào sự hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng, ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp.

Báo cáo số 524 của Thủ tướng Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội nhận định, việc ban hành văn bản chi tiết còn hạn chế, tình trạng chậm ban hành chưa được khắc phục.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), tới đây khi đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn. Về mặt tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong đảm bảo tính kịp thời.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về chất lượng văn bản, cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ, cần thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về "Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật," tránh tạo ra “điểm nghẽn” ở khâu tổ chức thực hiện Luật.

Trong các dự án Luật được thảo luận tại Kỳ họp lần này, có nhiều dự án Luật “một luật sửa nhiều luật” nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, đơn cử như Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều quy định hiện hành trong 4 Luật được sửa đổi đang tạo điểm nghẽn cho bộ máy hành chính nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), hiện nay, các công việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu đồng áp dụng theo Luật Đấu thầu sẽ phải đấu thầu. Đây là quy định đã có từ lâu, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với sự trượt giá vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công. Cho nên, cần sửa đổi Luật theo hướng nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công, để “mạnh mẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng ngay trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan, đoàn thể của chúng ta.”

Thay đổi tư duy lập pháp, nâng tầm đại biểu Quốc hội

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Quốc hội cần đóng vai trò chủ đạo, có các giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quan điểm này được Tổng Bí thư tái khẳng định và làm rõ trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn"... Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Muốn tháo gỡ được điểm nghẽn thể chế rõ ràng cần từ hai cơ quan làm ra thể chế là Quốc hội và Chính phủ. Với Quốc hội, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, hoạt động lập pháp của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất không hướng trọng tâm vào thể chế hóa quyền quản lý của bộ máy nhà nước mà phải hướng trọng tâm vào tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định cho một nền dân chủ xã hội và tự do công dân.

“Nhà nước cần chuyển tư duy từ tư duy quyền sang tư duy nghĩa vụ. Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội không làm được, nền kinh tế, doanh nghiệp không làm được, chứ không thể ôm đồm được. Vì ôm đồm sẽ rất nhiều việc, và nhiều việc thì sẽ không làm đến nơi đến chốn được. Nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề cần thiết là xây dựng thể chế," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông nhấn mạnh và cho rằng, Quốc hội cần thay đổi tư duy lập pháp, tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thay đổi tư duy lập pháp trong kỷ nguyên mới của dân tộc, hạt nhân của Quốc hội là các đại biểu Quốc hội cần phải được nâng cao chất lượng, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, tầm nhìn trong thảo luận và quyết định chính sách pháp luật.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại biểu Quốc hội chuyên trách đóng vai trò quan trọng, nòng cốt, đồng thời là một trong những nhân tố quan trọng trong đổi mới hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện nay vẫn chưa đạt con số “ít nhất 40%” được đề ra tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu liên quan đến cơ cấu, tiêu chuẩn của mỗi đại biểu. Việc yêu cầu nhiều cơ cấu, tiêu chuẩn trên một đại biểu dẫn đến việc lựa chọn những người để giới thiệu ứng cử dự kiến là đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ bị hạn chế.

Bên cạnh đó, nếu như chỉ quá tập trung vào cơ cấu, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách mà không chú trọng tới chất lượng của đại biểu chuyên trách thì vẫn sẽ không đảm bảo được yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ đại biểu chuyên trách cao phải song song cùng với chất lượng đại biểu chuyên trách cao. Có như vậy, hoạt động của Quốc hội nói chung và của đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng mới thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả.

Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trong đó nhấn mạnh chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là yêu cầu tất yếu đặt ra để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chung của Quốc hội trước yêu cầu bức thiết tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thể chế.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta về trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và để thực hiện được mục tiêu đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bổ sung các cơ chế cần thiết để lựa chọn được những đại biểu thực sự “đủ tâm, đủ tầm,” tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan