KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 24/05/2023 - Lượt xem: 268
Bài 2: Để Nghị quyết của Đảng tiếp tục đi vào cuộc sống

Nghị quyết số 18 như “cú hích” để cả hệ thống chính trị khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc đổi mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhằm tiết kiệm nguồn chi ngân sách, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp.

HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Kế hoạch số 88 của BCH Đảng bộ tỉnh ủy tại huyện Văn Lâm
“Cú hích” để ngành, địa phương thay đổi nhận thức, hành động
Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu với tỉnh thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Kế hoạch số 88), thời gian qua, Sở Nội vụ đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành trên 200 văn bản gồm chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và sắp xếp lại bộ máy của đơn vị mình. Đến nay Sở Nội vụ đã giảm 1 ban, 1 chi cục thuộc sở; 7 phòng thuộc ban và chi cục; không có cấp phó bố trí thừa so với quy định; không có hợp đồng lao động không đúng quy định tại các vị trí việc làm và giảm 10 biên chế công chức, tương ứng 13,69%. 
Sở Tài chính không chỉ sắp xếp, sáp nhập 4 phòng thành 2 phòng, tinh giản 5 biên chế, đạt 10,42%... mà còn làm tốt nhiệm vụ tham mưu với tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; tham mưu, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ phục vụ cho việc tự chủ về tài chính... 
Với huyện Yên Mỹ, Kế hoạch số 88 thực sự giúp lãnh đạo các cấp, các ngành của huyện thay đổi nhận thức, hành động trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đồng chí Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi học tập, nghiên cứu nghị quyết, huyện đã tập trung chỉ đạo kịp thời, đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở và giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thống nhất thực hiện. Đến nay, huyện sáp nhập được 20 trường học thành 10 trường; sắp xếp 12 phòng trực thuộc UBND huyện giảm còn 11 phòng; thực hiện Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; 16/17 đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND xã và 1 đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã; 83/85 thôn thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Qua sắp xếp, toàn huyện tinh giản 68 CB,CC,VC khối hành chính, đơn vị sự nghiệp và các xã, thị trấn. 
Trách nhiệm, quyết tâm cao, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Văn Lâm, ban hành văn bản cụ thể hóa việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập các thôn và tinh giản biên chế, Ban Thường vụ Huyện ủy, giao ban thành viên UBND huyện đều kiểm điểm quá trình thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Khó đến đâu, gỡ ngay đến đó”; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp, không ủy quyền cho cấp phó. Mặt khác, trước những áp lực của huyện có tốc độ phát triển các dự án công nghiệp, dịch vụ và gia tăng dân số cơ học rất nhanh, nhu cầu giải quyết thủ tục (TTHC) ngày càng nhiều, nhưng không vì thế mà huyện chậm trễ trong thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, huyện thực hiện tinh giản được 10,98% biên chế khối cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, 100% số đơn vị có TTHC thực hiện rà soát, cắt giảm 20% - 40% tổng thời gian giải quyết hồ sơ TTHC theo quy định. 
Còn đó những khó khăn, bất cập 
Bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình thực hiện Kế hoạch số 88 vẫn còn những mục tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Các địa phương, đơn vị còn gặp khó khăn, bất cập với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đồng chí Trần Chu Đức, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm cho biết: Nhiều năm nay, huyện Văn Lâm luôn trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Khi giao thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên cùng một địa bàn và tinh giản biên chế không tính đến yếu tố đặc thù của vùng phát triển công nghiệp, dân số cơ học tăng nhanh. Đa số các trường trên địa bàn huyện đều có quy mô hơn 1 nghìn học sinh. Không đủ giáo viên, các trường buộc phải dồn lớp với sĩ số trung bình 50 - 52 học sinh/lớp; giáo viên phải dạy vượt giờ cao hơn nhiều so với quy định... Hệ lụy là giáo viên làm việc căng thẳng, học sinh thiệt thòi khi phải học trong điều kiện chật chội, cơ sở vật chất thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở các nhà trường. 
Ngành Giáo dục - Đào tạo khó khăn khi thực hiện tinh giản biên chế Trong ảnh: Một tiết học tại Trường tiểu học và THCS Tiền Phong (Ân Thi)
Tại huyện Kim Động, việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tuy có thuận lợi hơn so với các địa phương khác; việc sắp xếp lãnh đạo các phòng ban, đơn vị cơ bản nhận được sự đồng thuận, nhưng số cấp phó dôi dư sau sáp nhập đến nay chưa thể bố trí hết, điển hình như ở Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện. Tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay còn 2 trường hợp cấp phó phòng dôi dư vẫn được chưa bố trí, sắp xếp trong thời hạn 3 năm theo quy định. Theo thống kê của UBND tỉnh, trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó vượt quá quy định khối sở, ban, ngành hiện còn  49 người và khối UBND cấp huyện là 23 người. 
Một số địa phương thực hiện việc sắp xếp cán bộ không chuyên trách cấp xã tuy bảo đảm về số lượng nhưng chức danh kiêm nhiệm chưa đồng bộ, thống nhất; người hoạt động không chuyên trách ở một số thôn, tổ dân phố hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguồn cán bộ thực hiện chuẩn hóa theo Nghị quyết, Đề án của Trung ương, của tỉnh còn khó khăn, nhất là trong thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. 
Đối với việc sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đến nay toàn tỉnh mới sáp nhập được 38 thôn thành 19 thôn mới tại 4 huyện, thị xã và còn 30 thôn, tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập ngay nhưng chưa thực hiện được. 
Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số đơn vị sự nghiệp công lập được giao thấp, chưa bảo đảm theo định mức tối thiểu, nhất là trong ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay đang thiếu khoảng 850 giáo viên ở các cấp học, trong khi mục tiêu của đề án tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022 - 2025 giảm tối thiểu 10% biên chế. Một số địa phương, đơn vị hiểu chưa đúng mục đích, ý nghĩa của việc tinh giản biên chế là để thanh lọc những người làm việc có trình độ, năng lực yếu, không hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC, dẫn đến việc “đánh đồng” giữa tinh giản biên chế, giảm số người làm việc với những người nghỉ hưu đúng độ tuổi. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2023 - 2026 trong khi cơ cấu tổ chức các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn bảo đảm theo các nghị định của Chính phủ sẽ làm phá vỡ cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức hành chính, buộc các cơ quan, tổ chức phải tiếp tục sắp xếp lại, mất nhiều công sức, chi phí và thậm chí có cơ quan, đơn vị thiếu người làm việc. 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo yêu cầu, mục tiêu của Nghị quyết số 18 là vấn đề vô cùng phức tạp, liên quan đến tư tưởng, đời sống, việc làm của nhiều người. Song đây là việc cần thiết, thậm chí đòi hỏi các ngành, địa phương phải chủ động, quan, đơn vị, địa phương phải nâng cao nhận thức và hành động. Bởi không tinh gọn bộ máy, không đổi mới hoạt động và chất lượng phục vụ Nhân dân, tiếp tục sự trì trệ, tiêu cực, lãng phí sẽ gây mất lòng tin trong Nhân dân. 
Ngành Y tế thiếu người làm việc trong khi vẫn phải tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế Trong ảnh: Giờ làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm y tế huyện Kim Động
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 88 của BCH Đảng bộ tỉnh và các mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận số 50-KL/TW  ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đòi hỏi các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, CB,CC,VC trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về thực hiện Nghị quyết số 18. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, tổng kết thực tiễn để kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm số lượng biên chế tối thiểu các phòng chuyên môn; hạn chế tổ chức mô hình chi cục thuộc sở để giảm số lượng biên chế thực hiện nhiệm vụ trung gian, hành chính phục vụ trong các cơ quan, đơn vị. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức, bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định và kết luận của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định và chấm dứt hợp đồng lao động ở vị trí việc làm công chức.
Bài học thực tiễn cho thấy sở ngành, địa phương, đơn vị nào triển khai thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy biên chế của hệ thống chính trị; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của tổ chức Đảng, quyết liệt thực hiện của chính quyền thì ở đó nhiệm vụ dù khó vẫn được thực hiện một cách suôn sẻ. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan