KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 03/07/2023 - Lượt xem: 302
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè

Mùa hè, thời tiết nắng nóng gay gắt, các loại đồ ăn, thức uống rất dễ bị hư hỏng nếu điều kiện bảo quản không bảo đảm, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) luôn thường trực. Vì vậy, việc kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều rất quan trọng.

Thực phẩm được bày bán tại cửa hàng Winmart+ xã Toàn Thắng (Kim Động) (Ảnh minh hoạ)
Để lựa chọn được những mặt hàng thực phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng, theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Phương ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) thì lâu nay chị giữ thói quen đi chợ vào buổi sáng sớm. Theo chị Phương: Thời tiết nắng nóng, đồ ăn, thức uống dễ bị ôi, hỏng, nếu mua thực phẩm không bảo đảm thì khi ăn dễ bị ngộ độc. Vì vậy, tôi thường đi chợ buổi sáng sớm để lựa chọn được những thực phẩm tươi ngon nhất. Bên cạnh đó tôi cũng thường xuyên chú ý đến vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) thường có thói quen đến các siêu thị, cửa hàng để lựa chọn thực phẩm cho cả gia đình. Chị Hà cho biết: Trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không đúng cách. Vậy nên, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, tôi thường không chế biến nhiều thức ăn và đến các cửa hàng thực phẩm, siêu thị để mua hàng. Tại đây, thực phẩm rất đa dạng, được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, sạch sẽ, có hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên tôi yên tâm.
Tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, mặc dù trời nắng nóng nhưng lượng khách hàng vẫn khá đông. Bà Trần Thị Ngọc Diệp, chủ cửa hàng bán bún bò ở đường Lê Thanh Nghị (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, cửa hàng của tôi bán từ 200 đến 300 bát bún. Việc bảo đảm ATVSTP chúng tôi không thể lơ là, nhất là trong thời điểm nắng nóng, thực phẩm dễ hỏng, ôi thiu. Vì thế, với nguyên liệu đầu vào, chúng tôi chỉ nhập vừa đủ, bán hết trong ngày để bảo đảm thức ăn được tươi ngon, an toàn cho sức khỏe của thực khách.
Trong những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước đá tăng cao. Nhà máy nước đá Tiên Dung ở thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu) chuyên sản xuất, kinh doanh đá viên. Mỗi ngày, nhà máy sản xuất từ 3 đến 4 tấn đá viên, đóng trong các túi nilon 5kg/túi. Sản phẩm đá viên của nhà máy được cung cấp cho các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Giang, Kim Động. Anh Phan Văn Để, phụ trách nhà máy cho biết: "Chúng tôi đầu tư hệ thống máy làm đá hiện đại theo quy trình khép kín, nguồn nước đầu vào là nước sạch, xử lý qua hệ thống lọc nước RO, khử khuẩn bằng tia cực tím, sau đó, nước vào hệ thống bồn chứa, tự động vào máy làm đá. Sau 45 – 50 phút cho ra đá viên thành phẩm, được đóng gói và bảo quản trước khi đưa đi giao cho khách hàng". Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, qua các đợt kiểm tra, sản phẩm nước đá của Nhà máy nước đá Tiên Dung đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Bên cạnh đó, vẫn còn những tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại một số gian hàng ở các chợ, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn được bày bán mà không được che đậy, không được bảo quản trong tủ kín. Nhiều loại thực phẩm chín còn được bày bán gần thực phẩm sống, điều này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo…
Năm nào cũng vậy, tháng đầu tiên của mùa hè được lấy là Tháng hành động vì ATTP. Trong Tháng hành động vì ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân các quy định của pháp luật, quy định điều kiện về ATTP với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp... Cùng với đó, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, toàn tỉnh thành lập 185 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP (trong đó, tuyến tỉnh 10 đoàn, tuyến huyện 12 đoàn, tuyến xã 163 đoàn). Các đoàn đã kiểm tra tổng số 4.235 cơ sở, phát hiện 1.006 cơ sở vi phạm, xử lý phạt hành chính 45 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 260 triệu đồng; buộc tiêu hủy 135 gói chân gà, 230kg thịt lợn, 530kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc...
Để bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong mùa hè, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm rất cao. Do đó, người dân cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống sôi. Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải vệ sinh sạch sẽ, không để thực phẩm sống lẫn thức ăn chín.
Không chỉ người tiêu dùng chủ động những biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm mà tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm cung ứng những sản phẩm chất lượng, tươi ngon đến người tiêu dùng. Có những vậy mới mang đến cho mỗi người bữa ăn an toàn, tăng cường sức khỏe để làm việc có chất lượng, hiệu quả.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan