KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 24/04/2023 - Lượt xem: 474
Hội thảo khoa học về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”

Ngày 21/4, tại Trụ sở Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Hào, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đặng Ngọc Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và một số cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 29) trên địa bàn tỉnh với mong muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh nhà; đào tạo những công dân tương lai tự tin, có bản lĩnh, trí tuệ với tầm nhìn trở thành công dân toàn cầu, làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản yêu cầu, các đại biểu tham gia hội thảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tích cực thảo luận, phân tích về các nội dung liên quan đến vị trí, vai trò, kết quả nổi bật ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. Qua đó, xác định rõ hơn những giải pháp cấp bách và lâu dài cho từng mục tiêu phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên, góp phần phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phấn đấu đến năm 2025, Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khái quát mục đích, ý nghĩa, nội dung và sự kỳ vọng của hội thảo. Xác định được tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 29, tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng việc đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Đồng thời luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển và được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết số 29 nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh, đảm bảo hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ, dạy nghề theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên gặt hái được nhiều thành tích. Trong giai đoạn 2013-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt từ 91,87% đến 99,81%; có 425 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Cơ sở vật chất được quan tâm, đầu tư đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 79,4% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên ở bậc mầm non đạt 96,6%; giáo viên bậc tiểu học đạt 87,4%; giáo viên bậc trung học cơ sở đạt 84,9%; giáo viên bậc trung học phổ thông đạt 100%. Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy, học và công tác giáo dục đào tạo; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Vì thế, việc tổ chức hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá làm rõ hơn việc thực hiện Nghị quyết  số 29 trên địa tỉnh; các cơ chế, chính sách, công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, quản lý và thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích nhiều nội dung như: Giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; xây dựng văn hóa học đường; hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đối với sinh viên trường đại học; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính của các cơ sở giáo dục công lập, đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh …
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Những ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo sẽ được ban tổ chức tiếp thu, tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu, thời gian tới để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết  số 29, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác quản lý, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; rà soát và từng bước sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ đảm bảo hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và chương trình sách giáo khoa phổ thông mới; quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề theo hướng mở; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan