KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 09/09/2024 - Lượt xem: 158
Khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn sau bão

Ngày 8/9, Ban chỉ đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bão số 3 với cường độ rất mạnh, đã đổ bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Hiện bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ.

Đất đá sạt lở tràn xuống lòng đường lên khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN
Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, các tỉnh Bắc Bộ vẫn còn mưa lớn sau bão. Cụ thể, phía Tây Bắc Bộ, từ sáng 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm; khu vực Đông Bắc lượng mưa phổ biến 20 - 50 mm, có nơi trên 100 mm. Do đó, các khu vực trung du, miền núi phía Bắc Bộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ông Hoàng Văn Đại khuyến cáo, khi thấy dấu hiệu của sạt lở đất, tức là xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục; mặt đất phồng lên, mặt đất rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất, người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt ở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh. Các lực lượng địa phương theo dõi và tiến hành di dời nếu có nguy cơ lớn, cần bảo vệ tính mạng trước tiên.
Ngoài ra, người dân cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, nhất là khi có mưa lớn kéo dài; tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét như triền núi, khu vực giáp sông suối…; di chuyển thật xa ra khỏi nơi nguy hiểm đến khu vực cao hơn.
Để đảm bảo an toàn, Ban chỉ đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo người dân cần lưu ý: Theo dõi diễn biến của mưa lũ sau bão để chủ động ứng phó; kịp thời sơ tán người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước khi sử dụng; chú ý cây xanh, biển quảng cáo đã bị gió bão làm nghiêng, đổ khi lưu thông trên đường; khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước, thông tin; khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; tham gia dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường. Bên cạnh đó, thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, chính xác với chính quyền địa phương; tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Nguồn: https://baohungyen.vn/
Tin liên quan